Mỹ công bố nghi vấn mới về nguồn gốc Covid-19 tại Trung Quốc
(Dân trí) - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố nghi vấn mới cho thấy vi rút gây bệnh Covid-19 có thể xuất phát từ phòng thí nghiệm tại Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh luôn kịch liệt bác bỏ.
Mỹ ngày 15/1 cho biết họ có bằng chứng mới đối với cáo buộc Covid-19 có thể bị phát tán từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc. Theo Bloomberg, đây được xem là động thái quy trách nhiệm mới nhất từ chính quyền Tổng thống Trump cho Trung Quốc về nguồn gốc của dịch bệnh, trong bối cảnh nhiệm kỳ của ông chỉ còn vài ngày nữa là khép lại.
Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ có bằng chứng rằng các nhà nghiên cứu ở Viện Vi rút học Vũ Hán dường như có triệu chứng giống như nhiễm SARS-CoV-2 hoặc các bệnh mùa thông thường từ mùa thu năm 2019, trước khi ca bệnh Covid-19 đầu tiên bị phát hiện ở thành phố này.
Theo AFP, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng các thông tin trên mâu thuẫn với các báo cáo trước đó rằng không ai trong số các nhân viên tại Viện Vi rút học Vũ Hán mắc Covid-19 hoặc nhiễm các vi rút có liên quan.
"Trung Quốc đang tiếp tục giữ lại những thông tin quan trọng mà giới khoa học cần để bảo vệ thế giới khỏi vi rút corona gây chết người và các vi rút tiếp theo", ông Pompeo cáo buộc.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch về nguồn gốc của dịch trong thời điểm Covid-19 bùng phát và điều này khiến việc đưa ra kết luận rõ ràng trở nên khó khăn.
Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ nghi vấn rằng vi rút gây dịch Covid-19 bùng phát từ phòng thí nghiệm. Mỹ không nêu rõ cách mà họ có được thông tin mới về nghi vấn trên.
Thông báo của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với chỉ trích khi ngăn cản một số thành viên nhóm điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhập cảnh để truy vết nguồn gốc của Covid-19.
Ông Pompeo đã kêu gọi nhóm điều tra của WHO nên gây áp lực với chính phủ Trung Quốc để "có thông tin mới".
Với ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc cuối năm 2019, tới nay đại dịch Covid-19 đã lan khắp thế giới làm 94 triệu người mắc bệnh và hơn 2 triệu người chết.