1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ có thể triệt hạ tên lửa Triều Tiên sau vụ thử nghiệm đánh chặn thành công?

(Dân trí) - Việc Mỹ tuyên bố bắn hạ thành công một mô hình tên lửa đạn đạo liên lục địa bằng một tên lửa đánh chặn tầm xa sau nhiều lần thất bại là một cột mốc quan trọng, trong bối cảnh thế giới đặc biệt quan ngại về chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Tên lửa đánh chặn được sử dụng trong cuộc thử nghiệm ngày 30/5 của Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Tên lửa đánh chặn được sử dụng trong cuộc thử nghiệm ngày 30/5 của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 30/5 thông báo tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất tại căn cứ không quân Vandenberg ở bang California đã nhắm trúng mục tiêu là một mô hình tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được phóng từ khu vực thử nghiệm tên lửa Reagan thuộc quần đảo Marshall.

“Việc đánh chặn một mục tiêu ICBM phức tạp và tạo ra mối đe dọa (với Mỹ) là một thành tựu đáng kinh ngạc… và là một cột mốc quan trọng trong chương trình này”, Phó đô đốc Jim Syring, giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA), nhấn mạnh.

Cũng theo ông Syring, hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất (GMD) rất quan trọng trong việc bảo vệ nước Mỹ và cuộc thử nghiệm lần này chứng tỏ rằng Washington “có năng lực đáng tin cậy để ngăn chặn một mối đe dọa thực sự".

Theo ABC, cuộc thử nghiệm thành công mới đây đã đánh dấu một bước tiến triển mới trong chương trình phát triển GMD - hệ thống trị giá 40 tỷ USD của Mỹ. Trước đây, hệ thống này từng được đưa vào thử nghiệm để đánh chặn nhiều loại tên lửa nhưng chưa bao giờ đánh chặn tên lửa liên lục địa.

Mặc dù Lầu Năm Góc đánh giá cuộc thử nghiệm là thành công, nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng hệ thống phòng thủ tên lửa GMD vẫn còn một chặng đường dài phía trước phải trải qua trước khi nó có thể được xem là phát triển hoàn thiện. Nhiều ý kiến cho rằng GMD chưa thực sự là một hệ thống đáng tin cậy của quân đội Mỹ.

Theo NBC, mặc dù tiêu tốn tới 244 triệu USD nhưng vụ thử nghiệm đánh chặn ICBM gần đây vẫn chưa thể bảo đảm rằng quân đội Mỹ đã đủ năng lực phòng vệ trước tên lửa liên lục địa của Triều Tiên. Bình Nhưỡng được cho là đang ngày càng tiến gần hơn đến công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa liên lục địa, thậm chí còn có thể gắn thêm thiết bị tinh vi để đánh lạc hướng hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ.

Giới chuyên gia chưa thực sự tin tưởng

Vụ thử nghiệm vừa qua là lần thử đánh chặn tên lửa trên bộ thứ 18 của quân đội Mỹ. Lần thử nghiệm gần đây nhất là vào tháng 6/2014 và đó cũng là lần thử nghiệm đánh chặn thành công đầu tiên kể từ năm 2008. Tính tổng cộng cả 17 lần phóng thử tên lửa đánh chặn từ năm 1999 đến trước vụ phóng thử hôm 30/5, chỉ có 9 lần tên lửa đánh chặn thành công. Tuy nhiên, đó đều là các vụ đánh chặn tên lửa tầm ngắn hơn, còn vụ thử nghiệm đánh chặn ICBM như lần gần đây nhất là chưa từng có tiền lệ.

“Vụ thử nghiệm (ngày 30/5) đánh dấu hai vụ thử tên lửa đánh chặn thành công gần đây (vụ thử thành công trước đó là vào năm 2014). Đây cũng là kết quả đáng kể. Tuy nhiên, chỉ có 2 trong số 5 vụ thử nghiệm gần đây nhất là thành công. Như vậy, tính từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ thành công chỉ là 40%. Nếu ở trong trường học, 40% chưa phải là số điểm đủ để đỗ một kỳ thi”, Philip E. Coyle, một nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí, nhận định.

“Nếu dựa trên những báo cáo về số vụ thử nghiệm tên lửa đánh chặn như vậy, thì chúng ta không thể chỉ trông cậy vào hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ nước Mỹ trước các tên lửa tầm xa của Triều Tiên”, ông Coyle nói thêm.

Nghị sĩ Adam Smith, thành viên cấp cao thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, chúc mừng Cơ quan Phòng thủ Tên lửa vì đã đạt được thành công trong việc thử nghiệm đánh chặn ICBM, song cũng lưu ý rằng “vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để đảm bảo rằng chúng ta có một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả và đáng tin cậy”.

“Sau khi đầu tư hơn 40 tỷ từ năm 2002, việc MDA thành công trong việc thử nghiệm tên lửa đánh chặn ICBM là một tin tốt sau 13 năm kể từ khi hệ thống tên lửa đánh chặn mặt đất đầu tiên được triển khai”, ông Smith nói.

Trong khi đó, Stripes dẫn lời bà Laura Grego, nhà khoa học cấp cao tại Liên minh Các nhà khoa học Mỹ, cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa GMD của Mỹ mới chỉ là hệ thống nguyên mẫu “được nâng cấp”. Điều đó có nghĩa là hệ thống này vẫn chưa hoàn thiện về mặt kỹ thuật ngay cả khi nó đã được triển khai và về mặt lý thuyết đã có thể sử dụng trong trường hợp tác chiến thực tế từ năm 2004.

Theo bà Laura, vụ thử nghiệm hôm 30/5, kể cả có thành công đi chăng nữa, cũng chỉ cho thấy rằng Lầu Năm Góc đang đi đúng hướng sau những lần nâng cấp kỹ thuật cho hệ thống phòng thủ. “Nhìn chung, quân đội Mỹ vẫn chưa thể khẳng định rằng hệ thống này có thể vận hành tốt trong điều kiện thực tế của thế giới hiện nay”, bà Laura nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp