1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ có thể không kích tiêu diệt phiến quân tại Iraq

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định chính phủ nước này đang cân nhắc “mọi lựa chọn”, bao gồm cả việc không kích để giúp Iraq đẩy lùi các phiến quân Hồi giáo.

Dù vậy, Nhà Trắng cũng khẳng định không có ý định cử binh sỹ tới đây.

Tuyên bố trên được ông Obama đưa ra sau khi hai thành phố quan trọng của Iraq là Mosul và Tikrit bị rơi vào tay những phiến quân Hồi giáo dòng Sunni sau những cuộc tấn công chớp nhoáng.

Nhiều nam giới Iraq tụ tập đăng ký nhập ngũ tại Baghdad
Nhiều nam giới Iraq tụ tập đăng ký nhập ngũ tại Baghdad

Bạo lực đã khiến Mỹ bắt đầu phải di chuyển các nhà thầu quân sự đang làm việc với quân đội Iraq tới những địa điểm an toàn hơn.

“Chúng tôi có thể xác nhận rằng toàn bộ công dân Mỹ, làm việc theo hợp đồng với chính phủ Iraq, để hỗ trợ cho chương trình Bán thiết bị quân sự ở nước ngoài của Mỹ tại Iraq, hiện đang tạm thời di dời do những lo ngại về an ninh trong khu vực”, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói.

Theo một quan chức quân đội Mỹ thì vài trăm người đã được di tản từ căn cứ không quân Balad về thủ đô Baghdad.

Những phần tử nổi dậy, do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và cận Đông (ISIS) lãnh đạo, được cho là đang có kế hoạch tiến sâu hơn nữa về phía Nam của Baghdad, và tới các khu vực có nhiều người Hồi giáo dòng Shia chiếm đa số sinh sống.

Có thông tin cho thấy, trong ngày thứ Năm, quân đội Iraq đã thực hiện một số cuộc không kích tại Mosul và Tikrit, nhắm vào các phiến quân.

Phiến quân Hồi giáo đang kiểm soát nhiều thành phố tại Iraq
Phiến quân Hồi giáo đang kiểm soát nhiều thành phố tại Iraq

Theo quan sát của các phóng viên, nếu ISIS có thể giữ được Mosul và củng cố sự hiện diện tại đây, họ sẽ đạt được một bước tiến cực lớn trong việc hiện thực hóa mục tiêu tạo ra một vương quốc Hồi giáo, bao gồm Iraq và Syria, nơi những kẻ nổi dậy cũng đang kiểm soát một phần lớn lãnh thổ.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua ra thông báo khẳng định ủng hộ chính phủ và nhân dân Iraq trong “cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”.

Trước đó, tình hình nhân đạo quanh Mosul, nơi khoảng 500.000 người dân đã tháo chạy, là “kinh khủng và…đang tồi tệ hơn”

Không loại trừ khả năng không kích

“Sẽ có một vài việc trong ngắn hạn trước mắt cần được thực hiện về mặt quân sự”, ông Obama khẳng định với các phóng viên tại Nhà Trắng trong cuộc gặp với thủ tướng Úc Tony Abbott. “Tôi không loại trừ bất kỳ điều gì, bởi chúng tôi cần phải đảm bảo rằng những kẻ thánh chiến này sẽ không đặt dấu chân lâu dài tại Iraq hoặc Syria”

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney sau đó bổ sung thêm rằng Tổng thống Obama muốn ám chỉ việc không loại trừ khả năng không kích. “Chúng tôi không bàn thảo về việc triển khai binh sỹ trên thực địa”, ông Carney nói.

Một phiên họp khẩn của quốc hội Iraq để trao cho thủ tướng Nouri al-Maliki quyền ban bố tình trạng khẩn cấp đã phải hoãn lại sau khi nhiều nghị sỹ không tới dự.

Chỉ có 128 người trong tổng số 325 nghị sỹ có mặt để bỏ phiếu.

Việc quốc hội Iraq không thể thực hiện bỏ phiếu về quyền ban bố tình trạng khẩn cấp đã cho thấy rõ sự chia rẽ trên chính trường nước này.

Tại phía Bắc nước này, các lực lượng của người Kurd tuyên bố đã kiểm soát thành phố dầu mỏ Kirkuk, và khẳng định quân chính phủ đã bỏ chạy.

Thanh Tùng
Theo BBC