1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ có thể đối phó Trung Quốc bằng chiến lược mở rộng căn cứ quân sự

(Dân trí) - Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố muốn tăng cường hiện diện quân sự của Washington tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể là thông điệp nhằm nắn gân Trung Quốc.

Mỹ có thể đối phó Trung Quốc bằng chiến lược mở rộng căn cứ quân sự - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Hồi đầu tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper từng thông báo kế hoạch triển khai tên lửa tại khu vực châu Á. Tuyên bố này của ông chủ Lầu Năm Góc làm dấy lên nhiều đồn đoán rằng mục tiêu mà Washington nhắm tới là Trung Quốc.

Ngày 28/8, Bộ trưởng Esper tiếp tục thông báo Mỹ muốn đầu tư để mở rộng các căn cứ quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“Các đồng minh và đối tác của chúng ta muốn chúng ta dẫn đầu… nhưng để làm được điều đó chúng ta phải hiện diện trong khu vực. Không phải tất cả mọi nơi, nhưng chúng ta phải hiện diện ở những vị trí trọng yếu. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ xem xét mở rộng các căn cứ, đầu tư thêm thời gian và nguồn lực vào những khu vực mà chúng ta chưa từng hiện diện trước đây”, ông Esper phát biểu tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ.

Mỹ hiện duy trì hơn 40 căn cứ quân sự trong khu vực, phần lớn đặt tại các nước đồng minh quan trọng của Washington như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Bộ trưởng Esper cũng mô tả Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực “ưu tiên” của Mỹ.

Giới phân tích nhận định, tuyên bố mới nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là một phần trong mục tiêu lớn hơn của Lầu Năm Góc nhằm kiềm chế và kiểm soát tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong khu vực.

Patrick Cronin, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hudson, nói với Defense News rằng Mỹ có thể mở rộng hiện diện quân sự tại một số khu vực ở Đông Nam Á, trong đó có những nước đối tác và đồng minh của Mỹ như Philippines, Singapore, Thái Lan. Trong khi đó, Eric Sayers, cựu trợ lý của chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và hiện làm việc tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho rằng khu vực các nước ở phía tây như quốc đảo Micronesia hay Palau đều có tiềm năng trở thành nơi Mỹ đặt căn cứ không quân.

“Điều này sẽ cho phép chúng tôi đa dạng hóa vị trí mà chúng tôi sử dụng, làm phức tạp thêm kế hoạch (của quân đội Trung Quốc), tránh phụ thuộc vào các căn cứ lớn vì những căn cứ này có thể trở thành những điểm dễ bị đánh bại, đồng thời giảm thiểu rủi ro về ngoại giao - chính trị do phụ thuộc quá nhiều vào một nơi cụ thể như Philippines, nơi chúng tôi chỉ có thể tiếp cận trong trường hợp xảy ra xung đột mà Philippines là một bên trong cuộc xung đột đó”, chuyên gia Sayers nhận định.

Mỹ và Philippines từng ký Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) từ năm 1951 nhằm bảo vệ lẫn nhau trước các cuộc tấn công của kẻ thù. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana từng chỉ ra rằng, theo điều khoản hiện nay của MDT, Mỹ sẽ chỉ hỗ trợ Philippines khi các đô thị của nước này bị tấn công.

Trung Quốc hoài nghi

Các nhà phân tích của quân đội Trung Quốc tỏ ra hoài nghi về khả năng của Mỹ trong việc thiết lập các căn cứ quân sự tại khu vực được xem là cửa ngõ của Trung Quốc.

Theo Zhao Xiaozhuo, đại tá đồng thời là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, việc chính phủ một nước chấp thuận để Mỹ đặt căn cứ quân sự sẽ làm dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ người dân địa phương, thậm chí gây tổn hại cho quan hệ ngoại giao của nước đó.

“Mỹ có rất nhiều ý tưởng và thường tiết lộ những ý tưởng đó từ sớm, nhưng vẫn còn chặng đường rất dài trước khi những ý tưởng đó được thực thi”, đại tá Zhao cho biết.

Một đại tá cấp cao khác tại Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, cũng nghi ngờ về quy mô mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực. Người này cho rằng kế hoạch của Mỹ “chắc chắn sẽ đặt các nước láng giềng của Trung Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh”.

“Một số nước sẽ không hy sinh mối quan hệ hữu nghị của họ với Trung Quốc để xích lại gần quân đội Mỹ. Và nếu Mỹ thực sự xây dựng căn cứ quân sự tại các nước Thái Bình Dương, liệu họ có thể đóng vai trò lớn trong việc đối phó với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc nếu xét đến khoảng cách của các căn cứ đó so với bờ biển Trung Quốc”, đại tá Trung Quốc nói.

Adam Ni, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney, cho rằng Trung Quốc có thể tìm cách ngăn cản các nước láng giềng cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự bằng việc đưa ra những lời cảnh báo về các biện pháp ngoại giao và kinh tế.

“Trung Quốc có thể sử dụng quân bài ngoại giao và kinh tế để khiến Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh nhằm tiếp cận khu vực… Một điều khác Trung Quốc có thể có thể làm là mô tả Mỹ như một lực lượng gây bất ổn trong khu vực”, chuyên gia Ni cho biết.

Tướng Jack Keane, cựu phó tham mưu trưởng quân đội Mỹ, nói với Fox News rằng kế hoạch mở rộng căn cứ quân sự của Mỹ là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Ông Keane nhận định: “Trung Quốc là mối đe dọa số 1 của chúng ta. Họ đang phát triển mỗi ngày. Về mặt chiến lược, họ muốn thống trị tây Thái Bình Dương và châu Á”.

Hồi tháng 6, cựu quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan từng tuyên bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ nhằm “cạnh tranh và ngăn chặn” Trung Quốc, đồng thời kiểm soát nỗ lực của Bắc Kinh trong việc “làm xói mòn chủ quyền của các nước khác”.

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định các nước Đông Nam Á đang mở rộng hợp tác quốc phòng với Mỹ và các nước lớn khác trong khu vực như Australia, vì sức mạnh quân sự của họ hoàn toàn “lép vế” so với Trung Quốc.

Thành Đạt

Tổng hợp