Mỹ chuyển căn cứ quân sự từ Okinawa đến Guam
Mỹ bắt đầu thực hiện chuyển căn cứ quân sự từ Okinawa đến Guam bằng tuyên bố trả lại một phần đất tại Okinawa cho Nhật Bản vào cuối năm 2016.
Thông tin này được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ash Carter tuyên bố ngày 6/12 trong một cuộc họp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thủ đô Tokyo. Mỹ có kế hoạch trao trả gần 4 ngàn hecta đất tại miền Bắc Okinawa trong một buổi lễ chính thức sẽ được tổ chức vào hai ngày 21 và 22/12 tới đây.
Trước khi ông Ash Carter đưa ra tuyên bố này, hồi tháng 5/2016, hàng ngàn người biểu tình đã bao vây tòa nhà quốc hội để phản đối việc xây dựng căn cứ quân sự mới trên đảo Okinawa, phía Nam Nhật Bản. Những người tổ chức biểu tình tuyên bố hoạt động có sự tham dự của gần 15 nghìn người.
Tokyo và Washington chủ trương xây dựng căn cứ mới tại khu vực hẻo lánh ít người ở hơn trên đảo để chuyển rời lực lượng Mỹ từ thành phố Gitnovan đông dân tới. Hồi tháng 4 năm nay, Thủ tướng Shinzo Abe đã gọi việc xây căn cứ mới là "lối thoát duy nhất."
Khoảng hơn một nửa binh lính Mỹ tại Nhật Bản hiện đang đóng quân ở Okinawa. Theo số liệu thống kê, ở Okinawa hiện bố trí 27.000 trong số 47.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Nhật Bản. Số lượng căn cứ quân sự Mỹ đóng ở vùng này cũng là nhiều nhất.
Trong thời gian gần đây, biểu tình chống căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản đã bùng phát trên khắp đất nước. Ngày 17/5, đã có khoảng 35.000 người dân Okinawa tham gia cuộc biểu tình phản đối việc di dời căn cứ quân sự mới từ chỗ này sang chỗ kia trên hòn đảo này.
Những người tham gia biểu tình quần chúng ở Nhật Bản đã giương cao khẩu hiệu “không nhượng bộ với chính quyền”. Cư dân địa phương đòi Mỹ không được di chuyển căn cứ quân sự “từ chỗ nọ sang chỗ kia” mà phải rút hoàn toàn ra bên ngoài khu vực này.
Đám đông tập hợp trong cuộc biểu tình trên sân vận động thành phố Naha yêu cầu Thống đốc Okinawa Takeshi Onaga tìm cách hủy bỏ kế hoạch chuyển căn cứ không quân Futenma từ Gitnovan đến khu vực thưa người ở Henoko, nằm ở phía bắc hòn đảo chính Okinawa.
Ông này tuyên bố “sẽ đem mọi nỗ lực để thực hiện lời hứa không cho xây dựng căn cứ mới ở Henoko". Tại thị trấn này, hàng trăm người biểu tình đã xô xát với cảnh sát địa phương bên ngoài trại Schwab-Henoko mới, hiện đang xây dựng của Mỹ. Một số người biểu tình đã bị bắt giữ sau các vụ đụng độ.
Hàng chục ngàn người trên khắp Nhật Bản từ Hokkaido đến Nagasaki cũng đã xuống đường lên tiếng phản đối...
Về vấn đề này, Hoa Kỳ cũng đã hơn 1 lần bày tỏ thái độ không hài lòng vì chính phủ Nhật Bản không thể tự giải quyết được vấn đề với người dân trong nước. Hồi đầu tháng này, Tổng thống Barack Obama cho biết, Washington sẵn sàng loại bỏ căn cứ hải quân đánh bộ Mỹ ở Okinawa.
Điều này được công bố tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Theo lời ông Obama, căn cứ hải quân đánh bộ sẽ được điều chuyển từ Okinawa đến Guam - hòn đảo thuộc phía Tây Thái Bình Dương.
Đó cũng chính là mục đích của các cư dân Okinawa khi trong suốt nhiều thập niên qua, họ đã nỗ lực đấu tranh chống hiện diện căn cứ quân sự Mỹ trên quê hương mình. Tuy nhiên, đối với Hoa Kỳ thì đây được coi là một bước lùi trong chiến lược “xoay trục về châu Á”.
Khoảng cách từ Okinawa đến Guam là 2.278 km. Vì vậy, có thể thấy, trong tương lai gần chưa hẳn Mỹ sẽ di dời được căn cứ Futenma trên Okinawa đến một hòn đảo xa xôi như vậy.
Tuy nhiên, trên đảo Guam đã có cơ sở hạ tầng khá phát triển. Bởi vì 1/3 hòn đảo là căn cứ quân sự Mỹ. Và mặc dù những người sống trên đảo này không có quyền tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử toàn dân nhưng Guam nằm trong thành phần Vùng thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana, liên hiệp chính trị với Hoa Kỳ.
Clip hoạt động nhộn nhịp tại căn cứ quân sự ở Okinawa:
Theo Thùy Dung
Đất Việt