1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ chưa sẵn sàng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc

Mỹ đã phản ứng như thế nào đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc? Các học giả và những nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ đang bị chia rẽ về câu hỏi này.

Những người lạc quan về tương lai của mối quan hệ Trung – Mỹ thì cho rằng Bắc Kinh có thể và nên trở thành “một cường quốc có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế, và rằng Washington phải áp dụng chiến lược kiềm chế, hòa giải thái độ khiêu khích gần đây của Bắc Kinh liên quan vấn đề tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.

Ngược lại, những người bi quan thì cho rằng Trung Quốc đang tìm cách lật đổ vị thế thống trị của Mỹ trên toàn cầu cũng như trật tự thế giới do Mỹ thiết lập và điều này sẽ là không thể tránh khỏi trong thời gian tới. Vì vậy, Mỹ phải có những chính sách và hành động cụ thể để bảo vệ lợi ích của mình cũng như các đồng minh trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận bắn đạn thật. Ảnh: MOD.gov.cn

Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận bắn đạn thật. Ảnh: MOD.gov.cn

Chính sự khác biệt trên đã tác động đến những chính sách đối ngoại của Mỹ và mỗi cách tiếp cận khác nhau dẫn đến những chính sách đối ngoại khác nhau để đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ chính sách đối ngoại thôi chưa đủ, chính sách đối nội của Mỹ cũng phải được hoạch định để chuẩn bị với sự suy giảm của Mỹ liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như một số quốc gia khác.

Thế giới đã chứng kiến một sự chuyển tiếp quyền lực gần đây nhất là việc Mỹ soán ngôi bá chủ thế giới của Vương quốc Anh vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Mặc dù rất khó để nhận thấy về sự suy giảm của Anh lúc đó, nhưng không còn nghi ngờ rằng giới lãnh đạo ở London đã nhận thức sâu sắc về sức mạnh ngày càng tăng của Mỹ từ ít nhất là trong những năm 1890. Kể từ đó, Anh đã không chỉ bằng lòng với sự trỗi dậy của Mỹ mà còn góp phần thúc đẩy nó trong một số lĩnh vực. Ví dụ, sự nhượng bộ của Anh với Mỹ trong những tranh chấp tại Venezuela năm 1895 và sự ủng hộ ngoại giao đối với Washington trong cuộc chiến giữa Mỹ và Tây Ban Nha 3 năm sau đó.

Không chỉ có vậy, London cũng rất quan tâm đến định hướng tư tưởng đối với các chính trị gia, giới tinh hoa trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội trong nước về sự trỗi dậy của Mỹ lúc đó. Chính vì thế mới có chuyện khi ngành công nghiệp và các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ vượt Anh, vẫn có không ít những chính trị gia của Anh ủng hộ Hiệp định thương mại tự do giữa 2 nước, mặc dù có một số ý kiến cho rằng việc bảo hộ thương mại là cần thiết để bảo vệ lợi ích của Anh.

Vì vậy, bất kể chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay với Trung Quốc là thân thiện hay đối đầu, thì chính sách đối nội trong việc chuẩn bị về mặt chính trị cho sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, Mỹ vẫn rất hạn chế và chưa có tầm “nhìn xa, trông rộng” về vấn đề này.

Đáng lo ngại hơn là sự xuất hiện sự mâu thuẫn ngày càng tăng về quan điểm liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc tại Mỹ. Một số chính trị gia, nhà kinh tế và truyền thông Mỹ lo sợ sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ khiến sức mạnh của Mỹ trên thế giới bị suy giảm, ảnh hưởng đến mức sống ở trong nước, nên đã tuyên truyền về “mối đe dọa Trung Quốc” đối với an ninh của Mỹ và khuyến khích công chúng nhằm gia tăng sự đối đầu giữa hai nước. Trong khi đó, một số khác lại đưa ra thông điệp muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.

Tóm lại, có rất ít những chính sách đối nội (và cả đối ngoại) của Mỹ được đưa ra để chuẩn bị tinh thần cho sự trỗi dậy của Trung Quốc khi nước này trở thành một cường quốc thực sự. Hạn chế trên của Mỹ một phần là do cả công chúng và giới lãnh đạo nước này cho rằng Washington vẫn giữ được vị trí thống trị trên thế giới, do đó đã lơ là trong việc chuẩn bị về mặt chính trị ở trong nước. Ngoài ra còn có một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến sự đồng thuận trong nước về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đó là sự phân cực, chia rẽ đảng phái tại Mỹ. Bên cạnh đó, những nhà hoạch định chính sách và định hình quan điểm của nước Mỹ vẫn tập trung chủ yếu vào những gì đang diễn ra trong nước hơn là việc họ đưa ra những chính sách để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ronald O'Rourke, chuyên gia phân tích hải quân tại Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ đã nhận định rằng, Washington hiện không có chiến lược thực sự nào để đối phó với Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh thách thức thay đổi nguyên trạng về chủ quyền lãnh thổ tại các khu vực tranh chấp ở châu Á. "Chúng ta có thể có các kế hoạch tác chiến bí mật trong dài hạn và quyết định xem liệu chúng có đáp ứng với một chiến lược để tiến hành một cuộc chiến tranh ở mức độ cao hay không. Nhưng đối với các tình huống chiến tranh xảy ra trong thời gian ngắn, rõ ràng là chúng ta chưa có một chiến lược về vấn đề này", ông Ronald O'Rourke nói.

Theo CT