1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ - châu Âu có gắn kết hơn vì IS?

Liệu Mỹ có cùng châu Âu can dự sâu hơn trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS)? Dưới đây là bài viết của nhà sử học, nhà bình luận chính sách đối ngoại người Mỹ, Robert Kagan.

Mỹ - châu Âu có gắn kết hơn vì IS? - 1

Tổng thống Barack Obama (phải) gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Nhà Trắng, năm 2014. (Nguồn AFP)

Với vụ khủng bố ở Paris ngày 13/11, sự trỗi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và khủng hoảng ở Syria đang làm rung chuyển châu Âu và hệ thống quan hệ quốc tế. Liệu Mỹ có cùng châu Âu can dự sâu hơn trong cuộc chiến chống IS?

Những năm qua, Tổng thống Barack Obama đã cầm quyền dựa trên các giả định về Trung Đông: Trước tiên, sẽ không có sự trở lại của lực lượng bộ binh Mỹ với số lượng đáng kể vào khu vực này. Thứ hai, lợi ích của Mỹ trong khu vực đủ lớn để hiện thực hóa một cam kết mới như vậy. Các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông có thể vẫn được duy trì ở cấp độ địa phương. Có thể có đổ máu và bạo lực, thậm chí giết người hàng loạt ở Syria, Libya và các nơi khác cùng một số bất ổn ở Iraq, nhưng chiến tranh và hậu quả của nó có thể được kiềm chế.

Các yếu tố cốt lõi của trật tự thế giới sẽ không bị ảnh hưởng và lợi ích riêng của Mỹ sẽ không bị đe dọa trực tiếp, nếu Washington vẫn có thông tin tình báo tốt và các máy bay không người lái của Mỹ ngăn chặn được các cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ. Thậm chí lực lượng IS có thể sẽ  bị suy yếu” và bị kiềm chế theo thời gian.

Những giả định này có thể là đúng - trong trường hợp các cuộc xung đột ở Trung Đông vẫn có tính địa phương. Nhưng thực tế không như vậy.

Các cuộc khủng hoảng ở Syria, Iraq và lực lượng IS đã không được ngăn chặn hiệu quả. Các cuộc tấn công ở Paris đã cho thấy IS có năng lực và sức bền đáng kể. Xung đột ở Syria, với làn sóng di cư của người tị nạn đang gây bất ổn cho Lebanon, Jordan và đặt thêm sức ép lên nền dân chủ vốn đã mong manh ở Thổ Nhĩ Kỳ. Xung đột ở Syria cũng đã làm trầm trọng thêm mâu thuẫn gay gắt giữa người Sunni và người Shiite trên khắp khu vực.

Cuộc chiến nhiều mặt ở Trung Đông hiện nay đã không còn là một vấn đề của riêng Trung Đông. Nó đã trở thành vấn đề của cả châu Âu. Những dòng người tị nạn rời khỏi Syria để tránh tình trạng bạo lực và sự đàn áp của chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã làm rung chuyển châu Âu. Các cuộc tấn công đẫm máu ở Paris, được cho là do IS tổ chức và được chỉ đạo từ căn cứ của IS ở Syria và khả năng xảy ra nhiều cuộc tấn công như vậy nữa, đã đe dọa sự gắn kết trong châu Âu và giữa châu Âu với các đối tác bên kia Đại Tây Dương. Tóm lại, cuộc khủng hoảng ở khu vực ngoại vi châu Âu lại đang tràn vào trung tâm châu Âu.

Châu Âu vốn đã không còn ở trong thời kỳ “sung sức” trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng người tị nạn và những cuộc tấn công khủng bố. Cuộc khủng hoảng Khu vực đồng tiền chung châu Âu kéo dài làm xói mòn tính hợp pháp của các thể chế chính trị châu Âu và các bên trung dung, đồng thời cũng làm suy yếu nền kinh tế của các cường quốc châu Âu.

Nhóm 3 nước Anh, Pháp và Đức từng nắm vai trò lãnh đạo châu Âu và làm việc chặt chẽ với Mỹ để thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu, hiện không còn mạnh mẽ như trước. Cuộc khủng hoảng Trung Đông tràn vào châu Âu đang đe dọa làm suy yếu sự gắn kết của châu lục và hủy hoại sức mạnh của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn đã làm suy yếu các đảng trung hữu và củng cố phe cực hữu ở Pháp và các nơi khác. Và các cuộc tấn công khủng bố như chất xúc tác làm cho họ mạnh thêm. Khả năng bà Marine Le Pen, lãnh đạo Mặt trận Quốc gia cánh hữu, trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Pháp không còn là điều xa vời.

Cuộc khủng hoảng Syria hiện nay đang tiếp tục củng cố vị thế của Nga. Nhìn chung, mặc dù châu Âu chia sẻ sự khó chịu của Washington về việc Moscow hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và việc Nga ném bom vào các nhóm nổi dậy ở Syria thì sau các cuộc tấn công ở Paris, bất kỳ đối tác đáng tin cậy nào trong cuộc chiến chống lại IS cũng đáng tranh thủ.

Nước Mỹ phù hợp với tất cả những điều nói trên ở điểm nào? Những người châu Âu không biết rõ điều này hơn so với các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Hầu hết người châu Âu vẫn thích Tổng thống Obama. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, nước Mỹ thời hậu chiến tranh Iraq đã kiềm chế hơn và có ít thứ để “ngửa bài” hơn siêu cường Mỹ kiêu ngạo và hiếu chiến trước đây.

Cựu ngoại trưởng Đức Joschka Fischer từng đề cập cụ thể đến vai trò của Mỹ là cường quốc thống trị ở Trung Đông, nhưng kể từ khi cuộc khủng hoảng người tị nạn và những cuộc tấn công tại Paris, Mỹ đã không còn sẵn sàng đóng vai trò có tác động đến cả trong và ngoài Trung Đông. Những gì Mỹ làm, hoặc không làm, bây giờ ở Syria sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định trong tương lai của châu Âu, sức mạnh của các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và trật tự thế giới tự do.

Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là điều cuối cùng mà ông Obama muốn nghe và có thể muốn tin. Chắc chắn ông không phủ nhận các nguy cơ đã tăng lên khi ít nhất, IS đã chứng minh được cả mong muốn và khả năng của mình trong việc thực hiện các cuộc tấn công phối hợp quy mô lớn vào một thành phố lớn của châu Âu. Điều đó có nghĩa là có lý do để tin rằng, IS có thể thực hiện một cuộc tấn công tương tự vào một thành phố ở Mỹ.

Theo (lược dịch từ Wall Street Journal)

Thế giới và Việt Nam