Mỹ chặn thương vụ 117 tỉ USD vì lo an ninh
Các bất đồng về quyền sở hữu trí tuệ, việc giữ bí mật công nghệ là vấn đề còn tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đêm 12-3 (giờ địa phương) đã ra sắc lệnh hành pháp chặn đề xuất xúc tiến thương vụ sáp nhập giữa Công ty Broadcom của Singapore và Tập đoàn Qualcomm của Mỹ. Thương vụ có tổng giá trị lên đến 117 tỉ USD đã bị chính phủ Mỹ giám sát nghiêm ngặt với lý do an ninh quốc gia .
Sợ Trung Quốc vượt mặt công nghệ
Trong nội dung của sắc lệnh công bố vào đêm 12-3, Tổng thống Trump nhấn mạnh các bằng chứng mà các cơ quan chính phủ Mỹ thu thập được đã thuyết phục ông nhìn nhận thương vụ sáp nhập của Broadcom có thể làm phương hại đến an ninh quốc gia. Quyết định của ông Trump được đưa ra sau một cuộc điều tra của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS).
Theo nhận định của tờ The New York Times, dù Broadcom là tập đoàn có trụ sở tại Singapore, Trung Quốc (TQ) mới là mối lo ngại lớn nhất của ông Trump. Nhà lãnh đạo nước Mỹ, với lập trường “nước Mỹ trước tiên” và muốn bảo vệ vị thế dẫn đầu của nền kinh tế quốc gia, cho rằng việc Qualcomm sáp nhập Broadcom đồng nghĩa với việc những tính năng ưu việt của tập đoàn này sẽ bị san sẻ trong giới công nghệ chip điện tử, từ đó cho phép TQ sản xuất ra những công nghệ cạnh tranh.
Trong một đánh giá vào ngày 5-3, CFIUS đặt vấn đề rằng Broadcom sau thương vụ sáp nhập thành công có thể cắt đứt nguồn quỹ nghiên cứu của Qualcomm, làm công ty này mất khả năng cạnh tranh. CFIUS cũng đề cập rủi ro lộ bí mật công nghệ từ mối quan hệ giữa công ty Singapore với một bên thứ ba ở nước khác.
Tài sản lớn của Mỹ
Công ty Qualcomm có sản phẩm chính là hệ thống vi xử lý tích hợp Snapdragon, chip điện tử của những thiết bị như Galaxy S8, LG V30 hay kính thực tế ảo VR Daydream của Google. Tuy nhiên, “viên ngọc” sáng nhất của Qualcomm trên thị trường công nghệ thế giới có thể nói là công nghệ 5G, chiếc chìa khóa cho liên lạc di động thế hệ kế tiếp. CFIUS đánh giá rằng thương vụ sáp nhập của Broadcom sẽ làm suy giảm vị thế dẫn đầu thế giới về công nghệ không dây 5G của Qualcomm. Theo hãng tin Bloomberg, điều này sẽ mở toang cánh cửa để một gã khổng lồ công nghệ khác của TQ là Huawei thống lĩnh thị trường.
Hiện Qualcomm nắm trong tay gần 15% số bản quyền quan trọng trên toàn thế giới liên quan đến công nghệ 5G. Con số này của Tập đoàn Nokia chỉ là 11%, còn của toàn bộ công ty TQ chỉ là 10%, theo một nghiên cứu của LexInnova. Các hãng điện thoại hàng đầu thế giới đang ngóng chờ Qualcomm cho xuất xưởng chip 5G vào cuối năm 2018 để có thể cho ra đời dòng điện thoại thế hệ mới trong năm 2019, theo Reuters. Với những yếu tố này, Qualcomm hiện nay là một trong những đối thủ lớn nhất của Huawei và là một tài sản quan trọng của nước Mỹ, theo nhận định của hãng tin Reuters.
Nỗi ám ảnh mang tên Huawei
Cái tên Huawei trong nhiều năm qua đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với các cơ quan chuyên trách giám sát đầu tư và công nghệ tại Mỹ. Hãng công nghệ Huawei hồi đầu năm 2018 đã không thể đạt được thỏa thuận với nhà mạng AT&T của Mỹ trong việc phân phối các sản phẩm điện thoại thông minh tại thị trường Mỹ. Tờ The New York Times cho rằng các thành viên trong hai ủy ban tình báo Hạ viện và Thượng viện Mỹ hồi tháng 12-2017 đã gửi thư tới Ủy ban truyền thông liên bang nêu rõ những lo ngại về các kế hoạch của Huawei đối với an ninh quốc gia.
Nghi ngờ của giới chính trị Mỹ về quan hệ mật thiết giữa Huawei và chính phủ TQ khiến công ty này đến nay vẫn chưa hiện thực hóa được “giấc mơ Mỹ”. Đã có nhiều nhà mạng Mỹ từ chối mua thiết bị của Huawei cho hạ tầng mạng viễn thông và dịch vụ lõi vì Washington lo ngại vấn đề bảo mật. Năm 2012 Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ nêu đích danh hai công ty TQ, trong đó có Huawei, là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ.
“Sự dịch chuyển vị thế thống lĩnh về tay TQ trong công nghệ 5G sẽ có hậu quả tiêu cực đáng kể đến an ninh quốc gia của nước Mỹ. Dù hiện nay Mỹ vẫn duy trì vị thế dẫn đầu về tốc độ thiết lập các chuẩn mực công nghệ mới, TQ chắc chắn sẽ cạnh tranh mạnh mẽ để lấp mọi khoảng trống mà Qualcomm để lại sau thương vụ sáp nhập nguy hiểm này” - CFIUS nhận định về đề xuất của Broadcom.
Theo Thanh Danh
Pháp Luật TPHCM