Mỹ cảnh báo sự tồn vong của Ukraine đang gặp nguy
(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo, sự tồn vong của Ukraine đang gặp nguy hiểm và an ninh của Mỹ cũng bị đe dọa.
"Ngày nay, sự sống còn của Ukraine đang gặp nguy hiểm và an ninh của Mỹ đang gặp nguy hiểm. Hôm nay tôi rời khỏi đây với quyết tâm hoàn toàn tiếp tục duy trì nguồn hỗ trợ an ninh và đạn dược của Mỹ dành cho Ukraine. Đó là vấn đề sống còn của Ukraine, là danh dự và an ninh của Mỹ", Bộ trưởng Quốc phòng Austin phát biểu hôm 19/3 tại một cuộc họp báo.
Tuy nhiên, ông chủ Lầu Năm Góc không nêu cụ thể liệu Washington sẽ hỗ trợ Ukraine như thế nào nếu không được quốc hội phê duyệt thêm ngân sách.
Trước đó, ông Austin chủ trì cuộc họp của hơn 50 lãnh đạo quốc phòng từ châu Âu và các nơi khác trên thế giới diễn ra ở căn cứ không quân Ramstein, Đức. Tại đây, ông khẳng định, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga bất chấp gói viện trợ bổ sung đang bị đình trệ tại quốc hội.
"Mỹ sẽ không để Ukraine thất bại. Chúng tôi vẫn quyết tâm cung cấp cho Ukraine những nguồn lực cần thiết để chống lại các lực lượng Nga", người đứng đầu Lầu Năm Góc tuyên bố. Ông cũng kêu gọi các đồng minh duy trì viện trợ cho Kiev.
Mỹ cho đến nay là nhà viện trợ an ninh lớn nhất cho Ukraine, cam kết hỗ trợ hàng chục tỷ USD cho Kiev kể từ khi chiến sự bùng nổ vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, bất đồng tại quốc hội, khiến Mỹ chưa thể thông qua gói viện trợ bổ sung hơn 60 tỷ USD cho Ukraine.
Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố hỗ trợ 300 triệu USD cho Ukraine vào tuần trước, nhưng Bộ trưởng Austin cho biết để có được số tiền đó, Washington đã phải tiết kiệm từ những khoản mua sắm gần đây.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm qua kêu gọi các đồng minh viện trợ nhiều hơn nữa hệ thống phòng không trong bối cảnh Nga phóng hơn 130 tên lửa, 320 máy bay không người lái và khoảng 900 bom dẫn đường để tấn công các mục tiêu của Ukraine kể từ đầu tháng này.
Giới chức Mỹ cho rằng, thiếu nguồn viện trợ đã ảnh hưởng đến tình hình trên chiến trường Ukraine và quân đội Ukraine đang phải xoay xở với nguồn lực vô cùng hạn chế.
Tuy nhiên, theo Rachel Rizzo, thành viên cấp cao tại Trung tâm Châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, lời kêu gọi của ông Austin đối mặt với sự hoài nghi ở châu Âu "bởi vì thông điệp về cam kết tài chính, quân sự, kinh tế lâu dài này đi ngược lại với thực tế những gì đang diễn ra ở quốc hội Mỹ".
Về phía châu Âu, tại cuộc họp báo chung cuối tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ba Lan tái khẳng định sự ủng hộ dành cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm qua công bố gói viện trợ hơn 542 triệu USD cho Kiev. Sự ủng hộ của châu Âu ngày càng đóng vai trò quan trọng với Ukraine trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden khó thuyết phục quốc hội thông qua gói viện trợ lớn cho Kiev, hơn nữa, Washington cũng đang bị phân tâm bởi cuộc chiến ở Gaza.
Tuy vậy, giới chức Mỹ nhấn mạnh một thực tế rằng, không có Mỹ, sự hỗ trợ của châu Âu là không đủ để giúp Ukraine đối phó với Nga.