Mỹ bị sốc khi Liên Xô bất ngờ thử nghiệm thành công bom hạt nhân
Mỹ sốc và chùn tay trước Liên Xô sau khi biết tin Liên Xô đã thử nghiệm thành công bom hạt nhân và phá vỡ thế độc quyền hạt nhân của Mỹ.
Vào 7h ngày 29/8/1949, Liên Xô thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên của mình, làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực hậu và phá vỡ thế độc quyền của Mỹ về vũ khí hạt nhân.
Quả bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô (hiện vật tái tạo) đặt tại Bảo tàng Trung tâm Hạt nhân Liên bang Nga. (Ảnh: Sputnik)
Vào ngày đó, Liên Xô cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên của mình, tên là RDS-1, tại địa điểm thử nghiệm Semipalatinsk, và trở thành quốc gia thứ 2 sở hữu năng lực vũ khí hạt nhân.
Kể từ đầu thập niên 1940, Mỹ đã đổ nhiều tiền bạc vào dự án nghiên cứu hạt nhân của mình. Thế độc quyền về vũ khí hạt nhân mang lại cho quốc gia sở hữu nó ưu thế khó vượt qua và mở đường cho sự bá quyền toàn cầu.
Liên Xô biết được kế hoạch của Mỹ chế tạo một quả bom nguyên tử - đây là nhân tố chủ đạo “thay đổi cuộc chơi” trong thế kỷ 20. Vào tháng 9/1942, chính phủ Xô viết đã khởi động dự án hạt nhân của riêng mình.
Sau khi Mỹ dùng bom hạt nhân để san phẳng hai thành phố Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki, chính phủ Xô viết nhận ra rằng phía Mỹ “không ngại” gì hết. May mắn cho Liên Xô giai đoạn đó, các điệp viên Xô viết đã thu thập được nhiều dữ liệu ở nước ngoài và giúp cho Liên Xô tiết kiệm nhiều thời gian trong quá trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Đến năm 1949, các nhà nghiên cứu Xô viết kết thúc dự án bom nguyên tử của mình.
Mặc dù trang thiết bị của các nhà khoa học và kỹ sư Xô viết thời kỳ đó rất thô sơ, họ vẫn đạt được một bước đột phá lớn vào thập niên 1940. Mặt khác, dữ liệu quý báu mà các điệp viên Liên Xô thu được về quả bom plutonium của Mỹ cho phép các nhà vật lý hạt nhân Xô viết tránh được các lỗi khi chế quả bom RDS-1.
Nhưng vì sao Liên Xô lại phải vội vã như vậy?
Nguyên do là sau Thế chiến thứ 2, các tham mưu trưởng của quân đội Mỹ và Anh đã xây dựng một số kế hoạch “đánh phủ đầu” Liên Xô – vốn đã suy yếu, kiệt quệ sau cuộc Đại chiến này. Theo các chuyên gia, từ năm 1945 đến 1949, Lầu Năm Góc đã phát triển ít nhất 9 phương án nhằm vào Liên Xô.
Học giả Mỹ J.W. Smith có nêu trong cuốn sách The World's Wasted Wealth 2: Save Our Wealth, Save Our Environment rằng “Không những Liên Xô không phải là mối đe dọa về quân sự đối với Mỹ [tổng thu nhập quốc nội của Liên Xô năm 1950 là 65 tỷ USD so với con số 250 tỷ USD của Mỹ], mà thời đó cũng không có liên minh quân sự nào đe dọa nghiêm trọng đến Mỹ hay bất cứ khu vực nào trên thế giới mà họ chọn”.
Các nhà lập kế hoạch của Lầu Năm Góc phán đoán rằng Liên Xô sẽ bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ và không có khả năng phản công.
Học giả Smith nhận xét: “Sau khi hình thành NATO và triển khai sớm các vũ khí cả hạt nhân và thông thường ở châu Âu, các nhà lập kế hoạch của Mỹ “đã bị bất ngờ và ngán ngẩm” khi Liên Xô cho nổ một quả bom hạt nhân vào năm 1949”.
Thực sự thì các chiến lược gia quân sự của Washington tin rằng họ sẽ được hưởng thế độc quyền hạt nhân lâu hơn. Theo kế hoạch Dropshot (Bỏ nhỏ), cuộc tấn công hạt nhân ồ ạt của Mỹ nhằm vào Liên Xô được lùi sang năm 1957.
Các chuyên gia cho rằng nếu Liên Xô không tạo ra bom hạt nhân cho riêng mình thì nhiều khả năng họ đã bị Mỹ hủy diệt hoặc chí ít cũng bị mất lãnh thổ.
Cuộc thử nghiệm bom hạt nhân ở Semipalatinsk vào ngày 29/8/1949 đã giáng một đòn nặng vào các kế hoạch tác chiến hạt nhân của Mỹ và Anh và thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới. Sau vụ này, Mỹ phải nghênh diện trên một sàn đấu ngang bằng hơn và họ phải tính đến các lợi ích của Liên Xô và đồng minh của Liên Xô.
Theo các số liệu chính thức, có 8 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên. Người ta tin rằng Israel cũng sở hữu cả một kho vũ khí hạt nhân mặc dù nước này từ chối tuyên bố chính thức về điều này./.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN/Sputnik