1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ-Ba Lan bàn chuyện triển khai tên lửa đánh chặn

(Dân trí) - Washington và Warsaw đang tiếp tục thảo luận chặt chẽ việc triển khai một căn cứ tên lửa đánh chặn thế hệ mới tại Ba Lan vào năm 2018, theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Little.

 
Mỹ-Ba Lan bàn chuyện triển khai tên lửa đánh chặn
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta  (phải) và người đồng cấp Ba Lan Tomasz Siemoniak tại Washington ngày 25/7.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm qua đã gặp người đồng cấp Ba Lan Tomasz Siemoniak tại Washington để thảo luận các vấn đề xung quanh việc triển khai các bộ phận của lá chắn tên lửa Mỹ tại châu Âu.

“Ông Panetta đã cảm ơn Bộ trưởng Siemoniak về vai trò đi đầu của Ba Lan trong dự án Phòng thủ tên lửa đạn đạo của NATO (BMD). Ba Lan là quốc ga đầu tiên ký kết một thoả thuận BMD với Mỹ. .. Hai quốc gia đang hợp tác chặt chẽ nhằm thiết lập một căn cứ tên lửa đánh chặn SM-3 tại Ba Lan vào năm 2018”, ông Little nói trong một tuyên bố.

Tên lửa SM-3 Block IB được thiết kế để đánh chặn và phá huỷ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, và là một phần thiết yếu của hệ thống đánh chặn tên lửa mà Mỹ đang thiết lập ở châu Âu.

Mátxcơva từ lâu đã phản đối việc triển khai các tên lửa đánh chặn gần biên giới nước này, cho rằng chúng có thể là một mối đe doạ an ninh và có thể phá huỷ thế cân bằng lực lượng chiến lược ở châu Âu.

Năm 2010, Mỹ đã huỷ các kế hoạch cho một hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo tại Cộng hoà Séc và Ba Lan. Mátxcơva đã hoan nghênh động thái này, và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khi đó nói Nga sẽ huỷ các kế hoạch triển khai tên lửa chiến thuật Iskander-M tại vùng Kaliningrad, giáp giới với các thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania.

Tuy nhiên, năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thông báo các kế hoạch của Washington nhằm triển khai các tên lửa đánh chặn và các đơn vị không quân tại Ba Lan.

Nga và NATO đã nhất trí hợp tác về hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh Lisbon hồi tháng 11/2010. NATO cho rằng nên có 2 hệ thống độc lập để trao đổi thông tin, trong khi Nga nghiêng về phương án một hệ thống chung với khả năng tương tác toàn diện.

An Bình
Theo Ria

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm