1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ ẩn ý ủng hộ Ukraine gia nhập NATO, hối thúc hỗ trợ quân sự

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay "cánh cửa gia nhập NATO sẽ vẫn mở" đối với các thành viên mới, trong khi hối thúc liên minh hỗ trợ tăng cường quân đội của Ukraine.

Tổng thống Obama phát biểu tại Tallinn, Estonia ngày 3/9.
Tổng thống Obama phát biểu tại Tallinn, Estonia ngày 3/9.

Phát biểu tại thủ đô Tallinn trong chuyến công du Estonia ngày 3/9, ông Obama không đích danh nhắc tới Ukraine khi nói về việc mở rộng tư cách thành viên NATO đối với các quốc gia khác. Tuy nhiên, dường như ai cũng hiểu thông điệp của nhà lãnh đạo Mỹ, khi ông cáo buộc Nga "tấn công trực diện" vào Ukraine.

"Chúng ta phải tái xác nhận nguyên tắc vốn luôn dẫn đường NATO là: đối với tất cả quốc gia đáp ứng yêu cầu của chúng ta và có thể có những đóng góp đáng kể đối với an ninh của liên minh, cánh cửa thành viên NATO sẽ vẫn mở", ông Obama nói, sau khi có cuộc gặp với lãnh đạo Estonia, Latvia và Lithuania.

Những bình luận của Tổng thống Mỹ diễn ra sau khi Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk cho hay ông muốn đất nước ông tham gia NATO.

"Liên quan tới NATO, tôi xem quyết định đúng đắn nhất là chấp nhận Ukraine là thành viên của NATO", ông Yatsenyuk nói.

Theo hiệp ước NATO, một cuộc tấn công nhằm vào bất kỳ một quốc gia thành viên đơn lẻ nào cũng sẽ được xem là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên của khối.

Trong một bình luận khác nhiều khả năng sẽ làm gia tăng căng thẳng với Nga, Tổng thống Mỹ cho hay NATO cần giúp Ukraine, cũng như tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, sự hỗ trợ nhiều nhất có thể.

"NATO phải thực hiện các cam kết cụ thể nhằm trợ giúp Ukraine hiện đại hóa và tăng cường các lực lượng an ninh. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để trợ giúp các đối tác khác của NATO, trong đó có Gruzia và Moldova, đồng thời thúc đẩy phòng thủ của các nước này", ông Obama nói.

Hôm 1/9, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho hay ông hi vọng Ukraine sẽ kết thúc tư cách không phải liên minh sau cuộc bầu cử vào ngày 26/10 tới, mở đường cho việc tự do tham gia NATO.

"Tư cách thành viên NATO đầy đủ cho Ukraine giống hành động điên rồ"

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều tin rằng mong muốn của Ukraine nhằm gia nhập NATO là một ý tưởng hay.

Chuyên gia địa chính trị William Engdahl nói với hãng tin Russia Today rằng có sự khác biệt về lợi ích giữa Tổng thống Petro Poroshenko - người có các lợi ích kinh tế ở đông Ukraine - với Thủ tướng Yatsenyuk - vốn có các mối liên hệ chặt chẽ với Washington và những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Ukraine.

Theo quan điểm của chuyên gia Engdahl, việc Thủ tướng Yatsenyuk nói về tư cách thành viên NATO đầy đủ cho Ukraine "giống một hành động điên rồ".

Các quan điểm của ông Engdahl tương đồng với nhận định của Thủ tướng Cộng hòa Czech Bohuslav Sobotka.

"Ukraine chưa sẵn sàng trở thành thành viên của EU, chưa sẵn sàng trở thành thành viên của NATO... Cả hai tổ chức này nên đưa ra những hi vọng thực tế cho Ukraine", ông Sobotka phát biểu với truyền thông Czech hồi cuối tuần qua.

Đức viện trợ không sát thương cho Ukraine

Trong một diễn biến khác, Đức cho biết sẽ chuyển viện trợ y tế và thiết bị bảo hộ cho quân đội Ukraine, theo một phát ngôn viên chính phủ Đức.

Quan chức trên cho hay, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ "đích thân giám sát" việc vận chuyển 20.000 áo chống đạn, các bệnh viện di động và đồ viện trợ y tế cho Ukraine, hãng tin DPA đưa tin.

Tuy nhiên, Đức đã loại trừ việc hỗ trợ bất kỳ thiết bị quân sự nào cho Ukraine. Thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ không có giải pháp quân sự nào cho cuộc khủng hoảng.

An Bình
Theo RT, AFP