1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ - Ấn tập trận ngay sát biên giới Trung Quốc

(Dân trí) - Là một phần trong hoạt động hợp tác quân sự, cuộc tập trận chung "Yudh Abhyas-2016" giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ được tổ chức ở khu vực rừng núi Himalaya thuộc quận Chaubuttia, bang Uttarakhand của Ấn Độ, gần khu vực biên giới với Trung Quốc, từ ngày 14-27/9.


Cuộc tập trận Yudh Abhyas-2013. (Ảnh: USArmy)

Cuộc tập trận Yudh Abhyas-2013. (Ảnh: USArmy)

Thông báo chính thức cho biết, dưới sự điều phối của Bộ Tư lệnh Trung tâm, cuộc tập trận trên là một trong những hoạt động huấn luyện quân sự chung kéo dài và là một sự kiện hợp tác quốc phòng song phương lớn giữa Mỹ và Ấn Độ.

Đây sẽ là cuộc tập trận Yudh Abhyas lần thứ 12 được quân đội hai nước tổ chức. Cuộc tập trận năm nay sẽ lấy bối cảnh giả định hai nước hợp tác chống phiến quân và chống chủ nghĩa khủng bố ở địa hình rừng núi.

Cuộc tập trận có sự tham gia của 225 binh sĩ Mỹ và số lượng tương tự từ sư đoàn Congo của quân đội Ấn Độ. Thông báo cho biết thêm mục đích khác của cuộc tập trận là hỗ trợ các binh sĩ tham gia làm quen với hệ thống tổ chức, vũ khí, thiết bị và chiến thuật của mỗi bên.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo Sunday Guardian, Trung tướng Balwant Singh Negi cho biết: "Cuộc tập trận Yudh Abhyas-2016 là một bước tiến mạnh mẽ của hai nền dân chủ để huấn luyện và học tập kinh nghiệm chiến đấu của nhau".

Cùng ngày, thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ cho biết: "Cuộc tập trận Yudh Abhyas-2016 là cơ hội tốt để các lực lượng Mỹ và Ấn Độ chia sẻ kinh nghiệm về chiến thuật, kỹ thuật, thủ tục và khả năng tác chiến. Cuộc tập trận này cũng là cơ hội để mở rộng quan hệ quân sự Mỹ - Ấn và tăng cường khả năng phối hợp. Phía Mỹ trân trọng sự hiếu khách và hỗ trợ hậu cần của quân đội Ấn Độ trong quá trình tổ chức cuộc tập trận năm nay".

Yudh Abhyas-2016 là cuộc tập trận đầu tiên được tổ chức sau khi Ấn Độ và Mỹ ký kết Thỏa thuận chia sẻ hậu cần quốc phòng (LEMOA). Với thoả thuận mới, hai bên sẽ được phép sử dụng các căn cứ hải, lục, không quân của nhau để tiếp nhiên liệu và sửa chữa trang thiết bị quân sự trong các cuộc diễn tập quân sự, các sứ mệnh nhân đạo hoặc cứu trợ thảm họa./.

Ngọc Anh

Tổng hợp