Mỹ-Ấn phá bế tắc trong thỏa thuận hạt nhân dân sự
(Dân trí) - Trong ngày làm việc đầu tiên của Tổng thống Obama tại New Delhi hôm qua, Mỹ và Ấn Độ tuyên bố đã đạt được bước đột phá lớn trong hiệp định hợp tác về hạt nhân dân sự bế tắc lâu nay. Đây là bước khởi đầu thành công cho chuyến công du 3 ngày của ông Obama.
Tổng thống Barack Obama (trái) và Thủ tướng Narendra Modi (phải) trong buổi tiệc trà trưa ngày 25/1. (Ảnh: Daily Mail)
Hãng thông tấn BBC cho hay thành tựu mang tính bước ngoặt này đạt được ngay trong ngày đầu tiên (25/1) trong chuyến công du đến Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong buổi tiệc trà sau bữa ăn trưa ở phủ Thủ tướng Ấn Độ, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cho phép các công ty Mỹ cung cấp các công nghệ hạt nhân dân sự cho Ấn Độ.
Mỹ và Ấn Độ đã ký thỏa thuận cho phép New Delhi tiếp cận kỹ thuật hạt nhân dân sự của Washington từ năm 2008. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị ngưng lại không lâu sau đó do Mỹ quan ngại về các điều luật quy định trách nhiệm pháp lý của Ấn Độ nếu xảy ra tai nạn hạt nhân.
Sau cuộc họp kéo dài hơn 3 tiếng ở New Delhi với Tổng thống Obama, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói: “Tôi vui mừng vì 6 năm sau khi chúng tôi ký kết thỏa thuận song phương, chúng tôi đang tiến tới việc hợp tác thương mại, phù hợp với luật của chúng tôi cũng như của quốc tế”. Ông Modi cũng khẳng định hai nước Mỹ-Ấn đã bắt đầu” một hành trình” hợp tác mới, với các mối quan hệ quốc phòng, thương mại được đẩy mạnh.
Về phần mình, Tổng thống Obama khẳng định việc hai bên đạt được nhất trí về vấn đề hạt nhân dân sự là “một bước quan trọng” cho thấy cách thức hai nước có thể phối hợp với nhau. Ông cũng cho hay Washington và New Delhi cũng đã tuyên bố một mối quan hệ hợp tác hữu nghị mới. Hai bên cũng sẽ tiến hành thảo luận sâu rộng về việc tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực quan trọng khác như quốc phòng, kinh tế, thương mại và biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Modi đích thân ra đón Tổng thống Obama tại sân bay. (Ảnh: AFP)
Theo PTI, việc khai thông thỏa thuận hạt nhân dân sự là bước khởi đầu thành công cho chuyến công du hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều kết quả “đột phá” của Tổng thống Obama. Tầm quan trọng của chuyến thăm này đã được khẳng định sau khi Thủ tướng Modi đã vượt qua nghi thức ngoại giao, đích thân ra đón và dự kiến sẽ tiễn ông Obama tại sân bay quân sự Palam.
Trong chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ kéo dài 3 ngày của Tổng thống Mỹ Barack Obama, an ninh của Ấn Độ được thắt chặt chưa từng có, với hơn 40.000 nhân viên an ninh và 1.000 lính bắn tỉa cảnh giới. Để đảm bảo an ninh cho sự kiện mừng ngày Cộng hòa 26/1, với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Obama, Ấn Độ đã nâng phạm vi cấm bay lên 400 km, thay vì 300 như thường lệ.
Tại khách sạn Maurya Sheraton, nơi ông Obama lưu trú, toàn bộ 438 phòng đã được đặt hết dành riêng cho phái đoàn Mỹ trong 3 ngày lưu lại. Không một khách lạ nào được phép vào khu vực này để đảm bảo an ninh cho những vị khách quý của New Delhi.