1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Musudan chỉ là tốt thí của Triều Tiên?

Vụ phóng thử tên lửa Musudan là chiêu tuyên truyền hay nằm trong một tham vọng lớn hơn của Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng hủy diệt Mỹ?

Mối đe dọa hiện hữu

Một ngày sau khi tiến hành phóng thử 2 quả tên lửa liên tiếp, ngày 23/6, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn chiến lược Hwasong-10.

Triều Tiên cũng cung cấp một số thông tin chung chung về vụ thử như tên lửa đạt độ cao hơn 1.400 km và bắn trúng khu vực mục tiêu trên biển ở khoảng cách 400 km.

Hwangsong-10 chính là tên lửa đạn đạo có tên gọi Musudan mà Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cho rằng đã được Triều Tiên sử dụng trong 6 lần thử nghiệm liên tiếp kể từ tháng 4 vừa qua. Thông tin của Triều Tiên cung cấp cũng khớp với số liệu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cung cấp trước đó, rằng trong vụ phóng thử tên lửa đạn đạo thứ 6 hôm 22/6, tên lửa được cho là loại Musudan của Triều Tiên đã bay xa 400 km và đạt độ cao hơn 1.000 km.

Hai vụ phóng thử tên lửa liên tiếp được Triều Tiên thực hiện trong sáng 22/6
Hai vụ phóng thử tên lửa liên tiếp được Triều Tiên thực hiện trong sáng 22/6

Giới chuyên gia đều nhận định, những thông số này cho thấy Triều Tiên đã khắc phục được những vấn đề của tên lửa Musudan sau 5 lần phóng thử thất bại.

Tờ The Korea Times của Hàn Quốc dẫn lời các chuyên gia đánh giá, so với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, việc triển khai Musudan trên thực tế đang trở thành mối đe dọa thực sự từ phía Triều Tiên.

Điều này càng khiến những lo ngại rằng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Nhật Bản hay căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam trên Thái Bình Dương trở thành hiện thực.

Tờ Chosun Ilbo lại đặt ra câu hỏi “Tại sao phải lo ngại trước mối đe dọa từ Triều Tiên”. Theo đó, Triều Tiên đã sở hữu các loại tên lửa Scud và Rodong có khả năng vươn tới bất kỳ mục tiêu nào ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Việc thử nghiệm thành công tên lửa Musudan có tầm bắn tối đa lên tới 4.000 km giờ đây sẽ đe dọa cả căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam.

Bên cạnh đó, tờ báo này còn tỏ ra lo lắng hơn khi thị trường chứng khoán Hàn Quốc thậm chí còn tăng điểm nhẹ và người dân vẫn tỏ ra bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra. Chosun Ilbo cảnh báo chính thái độ chai lỳ trước mối đe dọa hiện hữu mới thực sự đáng báo động.

Mục tiêu xa hơn

Không chỉ cảnh báo mối đe dọa hiện hữu từ Musudan, các chuyên gia Hàn Quốc còn cảnh báo nguy cơ lớn hơn từ Triều Tiên bởi các vụ thử nghiệm vừa qua cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang hướng tới mục tiêu xa hơn với năng lực tấn công uy lực hơn.

Một giả thiết được nêu ra là có thể Triều Tiên đã phóng tên lửa Musudan được lắp đầu đạn hạt nhân thu nhỏ giả định. Trong trường hợp này, việc tên lửa chỉ bay được 400 km, tức là bằng 1/10 tầm bắn thiết kế, không còn quan trọng.

Mức độ nguy hiểm thực sự nằm ở vũ khí hạt nhân mà tên lửa mang theo. Cuộc thử nghiệm có thể đã cung cấp cho Triều Tiên những thông số cần thiết thu được ngoài thực địa để tiếp tục cải tiến đầu đạn hạt nhân thu nhỏ.

Hình ảnh vụ phóng thử tên lửa ngày 22/6 được Triều Tiên công bố
Hình ảnh vụ phóng thử tên lửa ngày 22/6 được Triều Tiên công bố

Cùng quan điểm này, tờ Korea JoongAng Daily cho rằng hai vụ phóng tên lửa liên tiếp đã cho thấy Triều Tiên đạt được tiến bộ về công nghệ tên lửa và đây là điều đáng báo động đối với Hàn Quốc.

Tờ báo này thậm chí còn nêu ra kịch bản Triều Tiên chủ động cho nổ tên lửa ở độ cao lớn sau khi bay được 400 km để không bay qua lãnh thổ Nhật Bản và không gây ra những phản ứng quân sự từ phía Tokyo.

Đối với tên lửa đạn đạo, ngoài tầm bay xa, việc đạt độ cao nhất định cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Có thể Triều Tiên đã “hy sinh” tầm bắn để đưa tên lửa đạt tới độ cao trên 1.000 km, qua đó thử nghiệm những tác động đối với tên lửa và đầu đạn khi bay trở lại bầu khí quyển. Đây sẽ là những thông tin hết sức quý giá để Triều Tiên hoàn thiện công nghệ tên lửa của mình.

Tờ The Korea Herald cũng dẫn lời giáo sư Kim Dong-yup thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông của Hàn Quốc nhận định mục đích thực sự của Triều Tiên chưa chắc là nhằm chuẩn bị đưa tên lửa Musudan vào sử dụng trên thực tế.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có mặt tại thực địa
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có mặt tại thực địa

Triều Tiên có thể đang hướng tới một kế hoạch lớn hơn là tăng cường năng lực tấn công hạt nhân vào phần lục địa của Mỹ. Có bằng chứng cho thấy, Triều Tiên thử nghiệm tên lửa Musudan để tiếp tục phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hơn, có thể lên tới 10.000 km.

Tuy vậy, The Korea Herald cũng đưa ra những ý kiến trái chiều khi dẫn lời một số quan chức đánh giá 2 vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên có thể chỉ là thành công ngẫu nhiên.

Triều Tiên đã triển khai tên lửa Musudan từ năm 2007 mà bỏ qua khâu thử nghiệm. Điều này trái với quy trình thông thường nên có thể tồn tại nhiều vấn đề.

Việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ phóng thử bất chấp thất bại có thể chỉ nhằm tuân theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Hồi tháng 3 vừa qua, ông Kim Jong-un đã ra lệnh cho quân đội tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.

Mỹ có lo ngại?

Ngày 23/6, John Schilling, kỹ sư về không gian vũ trụ của Mỹ và là chuyên gia về chương trình tên lửa của Triều Tiên, cho biết tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan hay Hwasong-10 đã có bước tiến ấn tượng trong vụ thử thứ 6 vừa qua sau 5 lần thử thất bại.

Theo ông Schilling, vụ thử tên lửa Musudan của Triều Tiên có thể giúp các tên lửa đạn đạo liên lục địa của nước này như KN-08 và KN-14 có khả năng tác chiến sớm hơn dự kiến.

Ông Schilling nhận định: "Musudan không phải là vũ khí đáng tin cậy và Bình Nhưỡng dường như không cố gắng biến nó thành thứ vũ khí đáng tin cậy. Cho dù đó chỉ là màn biểu diễn mang tính tuyên truyền và Musudan sẽ bị bỏ xó một cách lặng lẽ, nhưng thành công một phần này sẽ làm gia tăng khả năng các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) gắn trên bệ phóng di động KN-08 và KN-14 tác chiến sớm hơn trong thập kỷ tới".

Ước đoán về tầm bắn của các loại tên lửa Triều Tiên
Ước đoán về tầm bắn của các loại tên lửa Triều Tiên

Tuy nhiên, theo chuyên gia Schilling, chỉ có thể đánh giá vụ thử này là sự thành công một phần. Ông chỉ rõ: "Vụ phóng thử cho thấy động cơ của tên lửa hoạt động tốt, nhưng lại khó để thẩm định khả năng của hệ thống dẫn đường".

Ông Schilling cho rằng có thể coi vụ thử này chẳng khác gì một màn tuyên truyền của Bình Nhưỡng. Ông nói: "Chúng ta có thể đặt giả thiết rằng họ không thực sự quan tâm, rằng đây là một sự tuyên truyền và quảng bá hình ảnh hơn là một sự phát triển vũ khí".

Trước đó, vào rạng sáng 22/6, Triều Tiên đã phóng hai quả tên lửa ra ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này trong lần phóng thử thứ 5 và thứ 6.

Quả tên lửa đầu tiên phát nổ giữa không trung, song quả tên lửa thứ hai đã bay được khoảng 400 km trước khi rơi xuống vùng biển phía Đông. Cả 4 vụ thử tên lửa được tiến hành cách đây 2 tháng đều thất bại (tên lửa hoặc bị nổ hoặc rơi ngay sau khi phóng).

Tên lửa được Triều Tiên phô diễn trong lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng
Tên lửa được Triều Tiên phô diễn trong lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng

Ngày 23/6, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết vụ thử mới nhất tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung Hwasong-10 đã được tiến hành thành công trước sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Theo KCNA, tên lửa đã bay ra ngoài tầng khí quyển và đạt tới độ cao 1.413 km trước khi quay trở lại khí quyển thành công và lao xuống vùng biển mục tiêu cách xa khoảng 400 km.

Nếu những thông tin trên là đúng, vụ thử này đánh dấu bước tiến quan trọng trong chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng bởi công nghệ quay trở lại khí quyển được coi là trở ngại lớn nhất mà Triều Tiên phải vượt qua trước khi phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân.

Theo Bảo Lộc

Đất Việt