1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mùa hè “nóng” ở châu Âu

Trong khi nước Đức đang chuẩn bị kỷ niệm 25 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ, đất nước thống nhất, vấn đề người nhập cư lại trở thành chủ đề chính cho các cuộc tranh luận triền miên.

Mùa hè “nóng” ở châu Âu - 1

Một nhóm người di cư đợi cảnh sát Macedonia cho phép lên tàu hỏa tại nhà ga ở Gevgelija, Macedonia ngày 21/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mùa hè 2015 ở châu Âu đúng là khác thường. Ngày lập thu 1/9 nóng trên 30°C; độ ẩm không khí cao, oi bức đến khó chịu trong khi hầu như chẳng nhà nào có điều hòa không khí. Người ta nói hè năm nay nóng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng đấy là về khí hậu, thời tiết.

Không khí kinh tế cũng chẳng kém độ nóng khi tin dữ từ thị trường chứng khoán và tài chính ở Trung Quốc dội sang châu Âu, khiến thị trường tài chính nơi đây sụt giảm. Tuy nhiên, nóng nhất mấy tuần qua lại bắt nguồn từ vấn đề người tị nạn đang tràn vào châu Âu với số lượng vượt quá khả năng tài chính, khả năng giải quyết của các nước EU, trong đó có nước Đức giàu có và đầy kinh nghiệm với người tị nạn nhập cư.

Lịch sử tái diễn

Các thông tin như “Hàng ngàn người tị nạn chờ ở nhà ga trung tâm Budapest để lên tàu sang Đức, Áo”, “Cảnh sát Hungary ngừng kiểm tra giấy tờ để người tị nạn tự do tràn sang Đức” hay “Hungary dựng hàng rào thép gai ngăn cản người tị nạn từ Serbia” tràn ngập báo chí và các trang mạng ở Đức khiến người ta liên tưởng đến “mùa Thu nóng bỏng” năm 1989, khi dòng người “tị nạn” từ CHDC Đức tràn vào các Đại sứ quán của CHLB Đức ở Praha, Budapest…

Trong khi nước Đức đang chuẩn bị kỷ niệm 25 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ, đất nước thống nhất, vấn đề người nhập cư lại trở thành chủ đề chính cho các cuộc tranh luận triền miên. Không chỉ nội bộ nước Đức mà cả EU đang mâu thuẫn về cách xử lý vấn đề này. Vì sao như vậy?

Trước hết là do số lượng người tị nạn đông chưa từng có. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết, số người tị nạn đi qua hướng Tây vùng bán đảo Balkan đến các nước Trung Âu tăng 600% so với cùng kỳ năm ngoái, đông gấp nhiều lần số người đến Italy qua Địa Trung Hải, trong đó 43% là muốn đến Đức. Tính bình quân trong năm tháng đầu năm nay thì cứ 1.000 người Đức phải tiếp nhận 1,5 người tị nạn, trong khi tỷ lệ này ở Pháp là 0,37 người. Dự tính đến hết năm nay, số người tị nạn đến Đức có thể lên đến 800.000, thậm chí cả triệu người, tăng 4-5 lần so với 2014.

Đây là áp lực lớn đối với nước Đức trong bối cảnh kinh tế khu vực và trong nước có nhiều khó khăn. Theo số liệu của Hội nghị Bộ trưởng nội bộ các bang của Đức, năm nay ngân sách sẽ phải bỏ ra 4,47 tỷ Euro. Cơ quan phụ trách xem xét đơn tị nạn (BAMF) đã phải tuyển thêm 1.000 nhân công để xử lý 250.000 hồ sơ còn tồn đọng, xây dựng nhiều cơ sở tạm trú cho người tị nạn trong khi chờ thụ lý hồ sơ.

Cũng chính từ việc ngân sách Nhà nước phải chi quá nhiều cho người tị nạn nên xã hội Đức cũng bị phân hóa. Tuyệt đại đa số người dân hoan nghênh và bày tỏ thông cảm với hoàn cảnh của người tị nạn. Trên tờ Bild am Sonntag số mới đây, gần 100 nhà hoạt động chính trị, văn hóa xã hội Đức, 16 Bộ trưởng Tư pháp bang, lãnh đạo các tập đoàn lớn như Daimzler Benz, Deutsche Bahn, nhà văn được giải Nobel văn học Herta Muller kêu gọi người dân Đức hãy chào đón người tị nạn. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Gabriel cho rằng những người tị nạn có quyền có được cuộc sống không lo âu sợ hãi ở Đức. Còn Bộ trưởng Tài chính Schaeuble bảo đảm rằng không thiếu tiền để hòa nhập những người tị nạn.

Trong khi đó, lực lượng cực hữu, bài xích người nước ngoài chống lại chính sách tị nạn của Chính phủ và người nước ngoài tị nạn cũng gia tăng hoạt động. Vụ phóng hỏa vào trại tị nạn, gây ra cuộc hỗn chiến ở Heidenau, bang Sachsen vừa qua là đỉnh điểm của hoạt động bài xích người nước ngoài.

Mỗi nước một chính sách

Nội bộ Đức thì như vậy, còn chính sách tị nạn của 28 nước EU cũng rất khác nhau. Rất gần đây, Anh, Pháp và Tây Ban Nha mới đồng ý tiếp nhận người di cư nhằm chia sẻ gánh nặng giải quyết cuộc khủng hoảng này. Các nước như Séc, Latvia, Slovakia chống lại việc nhận thêm người tị nạn. Muốn vào các nước EU, người tị nạn phải qua các nước Balkan trong khi với các nước này, vấn đề người tị nạn đã trở nên quá tải.

Ngoại trưởng Macedonia phê phán Chính phủ Hy Lạp vì đã cho hàng ngàn người tị nạn vượt biên giới vào nước này (khoảng 3.000 người mỗi ngày) để từ đó qua Serbia, Hungary sang Đức, Áo và các nước Bắc Âu. Ông Johanes Hahn, Ủy viên châu Âu về chính sách láng giềng, đã kêu gọi một “kế hoạch Marshall” trợ giúp các nước Nam Âu. Thủ tướng Hungary đổ lỗi cho Đức đã đưa ra một thông điệp sai khi nói rằng những người tị nạn sẽ không bị trục xuất, khiến người tị nạn tràn vào Hungary chỉ có một mong muốn duy nhất là sang Đức.

Trong khi đó, Thủ tướng Merkel coi đây là “sứ mệnh quốc gia” và cho rằng chỉ riêng Đức không thể giải quyết được mà cần có giải pháp tổng thể của toàn châu Âu. Cao ủy Đối ngoại EU Federica Mogherini cũng kêu gọi các nước thành viên EU đồng tâm hiệp lực với các nước Balkan giải quyết vấn đề này.

“Giải pháp tổng thể” đó chưa được các nước khác đồng tình nên đến nay Bộ trưởng Nội vụ các nước trong Liên minh còn tranh luận, chưa đi đến thống nhất.

Trước hết, châu Âu, mà cụ thể là 28 nước thành viên, cần có khuôn khổ chung xử lý tình hình tị nạn căng thẳng hiện nay. Theo Hiệp ước Dublin, nghĩa vụ của các nước thành viên là xem xét đơn tị nạn của những người đặt bước chân đầu tiên lên lãnh thổ EU, không đẩy họ đến nước thành viên khác. Nhưng theo Thủ tướng Merkel thì việc Hungary và Áo vận chuyển người tị nạn sang Đức mà không đăng ký tại chỗ đã vi phạm Hiệp ước. Ngày 14/9 tới, các nước EU sẽ nhóm họp để trao đổi về vấn đề này.

Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất hiện nay là việc phân bổ người tị nạn không đồng đều. Trong khi Đức nhận nhiều người tị nạn nhất (hơn 40%) và kêu gọi “giải pháp phân bổ hợp lý” thì các nước khác lại thờ ơ, thậm chí không muốn nhận, nhất là các nước Đông Âu. Đây là việc không đơn giản vì pháp luật và thực tiễn ở các nước khác nhau.

Các giải pháp kỹ thuật như hợp tác kiểm soát đường biên giới chung, ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp cũng được các nước quan tâm nhưng bị cho là lỏng lẻo. Để tự cứu mình, một số nước như Hungary đã đưa ra biện pháp không phù hợp như lập hàng rào kẽm gai, từ bỏ việc kiểm soát giấy tờ để người tị nạn tự do di chuyển sang các nước.

Đáng quan ngại nhất là sự gia tăng hoạt động của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm buôn bán người với cường độ và mức độ tàn bạo chưa từng thấy. Gây xúc động nhất là vụ 71 người tị nạn bị chết ngạt trong xe container lạnh từ Hungary qua Áo cuối tháng Tám vừa qua.

Có báo cáo cho biết nửa đầu năm 2015 có gần 6.700 vụ đưa người bất hợp pháp vào Đức (so với 7.842 vụ cả năm 2014). Điều tra 1.420 tội phạm buôn người cho thấy đa phần là người Hungary, Romania, Serbia, Bulgaria và Syria. Theo Báo cáo, số tiền mà người tị nạn phải trả để sang châu Âu là khoảng 20.000 Euro từ châu Á, 11.000 từ Afghanistan sang Hungary, 7.000 từ Libya sang Italy, 1.200 từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp và khoảng 700 Euro từ Calais (Pháp) sang Anh (theo The Migrants´ File, AFP, DPA).

Châu Âu đang tiến dần đến mùa đông lạnh lẽo, nhưng vấn đề tị nạn đang có nguy cơ càng trở nên nóng hơn bao giờ hết, đe dọa ổn định xã hội và đoàn kết trong nội bộ EU.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và nguyên Thủ tướng Đức Helmut Schmidt trong cuộc đàm đạo cuối cùng năm 2012 (cuốn Chuyến thăm cuối cùng, 2012) đã tiên đoán vấn đề tị nạn toàn cầu sớm muộn cũng sẽ trở thành thách thức của châu Âu và thế giới trong những thập niên tiếp theo và thậm chí nếu có xảy ra Thế chiến III thì cũng là từ nội chiến, xung đột cục bộ dẫn đến sự di cư ồ ạt của hàng triệu người từ châu Phi, Trung Đông tràn vào châu Âu.

Tiên đoán này dường như đã phần nào trở thành sự thật...

Theo Nguyễn Hữu Tráng (từ Berlin)

Thế giới và Việt Nam

Mùa hè “nóng” ở châu Âu - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm