1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Mốt” cưới chạy ở Nhật

(Dân trí) - Bữa tối đầu tiên của cặp vợ chồng mới cưới Wakako và Keisuke là một bữa tiệc thịnh soạn giàu sắt, canxi, các carbohydrate tổng hợp - một thực đơn hoàn hảo cho hầu hết cô dâu trong các đám cưới chạy.

 
“Mốt” cưới chạy ở Nhật - 1
(Ảnh minh họa)

Còn trong tiệc cưới diễn ra tại nhà thờ ở thành phố Yokohama, cô dâu Wakako Iwatani sẽ ngồi cẩn thận trên một chiếc ghế với miếng đệm dày gấp đôi so với những miếng đệm ghế thông thường.

Một nhóm các phụ tá luôn túc trực gần đó khi cô dâu Wakako trao lời thề nguyền với chú rể Keisuke, và sẵn sàng rót nước lạnh nếu cô dâu có triệu chứng ốm nghén.

Tất cả mọi thứ, trong đó bao gồm cả một phòng chờ đặc biệt để cô dâu chợp mắt, là một phần của dịch vụ “Hạnh phúc nhân đôi” chuyên dành cho các cô dâu mang thai. Dịch vụ này trước đó chỉ là một thị trường cực nhỏ nhưng giờ đây chiếm gần 1/3 trong ngành công nghiệp tổ chức đám cưới béo bở của Nhật Bản.
 
Megumi Takanami, người lên kế hoạch tổ chức đám cưới cho Wakako và Keisuke, cho hay bà tin rằng khuynh hướng các cô dâu mang bầu khi kết hôn còn tiếp tục tăng.

"Khoảng 5 năm trở lại đây, số cô dâu "ăn cơm trước kẻng" tổ chức đám cưới không ngừng tăng lên. Năm ngoái, chúng tôi ước tính khoảng 1/4 các cô dâu của chúng tôi đã mang bầu. Một số người đã mang thai 8 tháng khi kết hôn", bà Takanami  nói.

Những con số về các đám cưới ở Nhật:

 

- 714.000: Số đám cưới diễn ra hàng năm tại Nhật Bản theo số liệu của cuộc điều tra dân số mới nhất

- 20.000 USD: Số tiền trung bình phải chi cho mỗi đám cưới

- 26 và 29: Tuổi trung bình của các cô dâu và chú rể

- 100 USD là giá thuê một vị khách tới dự đám cưới. Nếu muốn khách mời có một bài phát biểu cảm động, khách hàng phải trả thêm 100 USD

 

“Trước kia các cặp đôi thường hay xấu hổ và công việc của chúng tôi là làm sao giấu đi sự thật cô dâu đã có bầu với hai bên gia đình. Nhưng giờ đây mọi người rất thoải mái về chuyện đó, vì thế chúng tôi cố gắng biến đám cưới trở thành một dịp để ăn mừng cả hai niềm vui và giúp cuộc sống của những bà mẹ tương lai trở nên thoải mái nhất có thể”.

Một phát ngôn viên của công ty tổ chức đám cưới Watabe Wedding cho hay, quan niệm của người dân trên đảo Okinawa thuộc phía nam Nhật Bản giờ đây rất "thoáng". Trước kia, các cô dâu mang thai thường bỏ qua tiệc cưới và chỉ sắp xếp một buổi chụp ảnh. Ngày nay, 30% cô dâu đã mang thai và đều tổ chức một đám cưới long trọng, đẩy đủ.

Và khi mọi người không còn thành kiến với chuyện "ăn cơm trước kẻng", số đám cưới của các cô dâu tự hào khi mang thai cũng gia tăng. Cưới chạy ngày nay trở thành một xu hướng.

Xu hướng trên cho thấy quan điểm của người Nhật đang thay đổi. Vào những năm 1990, sự cấm kỵ đối với chuyện mang thai ngoài hôn nhân đã được xóa bỏ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn giữ truyền thống kết hôn rồi mới có mang. Nhưng vào năm 2004, khoảng cách trung bình giữa thời điểm tổ chức đám cưới và khi sinh đứa con đầu lòng tại Nhật Bản đã giảm từ 10 xuống còn 6 tháng.

Các nhà bình luận xã hội cho rằng, một nhân tố quan trọng dẫn tới khiến mọi người có quan niệm tương đối thoáng về chuyện "ăn cơm trước kẻng" là vấn đề nhân khẩu học của Nhật Bản. Trong suốt 28 năm liên tiếp, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi liên tục giảm. Đối với cha mẹ của các phụ nữ trẻ, tỷ lệ này có ảnh hưởng rất lớn. Tại một đất nước ngày càng nhiều phụ nữ không muốn sinh con, chuyện con gái họ mang thai và viễn cảnh có một người cháu là điều các ông ngoại, bà ngoại tương lai vô cùng vui mừng.

Bà Takanami cho hay, thay vì chỉ trích người con rể đã làm con gái họ mang thai, các ông bố bà mẹ thường rất vui mừng.


An Bình
Theo Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm