1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Một chuyến đi nhiều mục đích

Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa kết thúc chuyến thăm 2 ngày đến Philippines (ngày 26 và 27-2). Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Pháp tới Philippines kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1947.

Cùng phái đoàn hùng hậu với hơn 100 người tháp tùng, trong đó có nhiều ông chủ các tập đoàn và cả các ngôi sao trong làng giải trí, sự hiện diện của ông chủ điện Elysée tại Manila không chỉ cho thấy mối quan tâm đa dạng về hợp tác mà Pháp muốn thiết lập với Phillipines trong thời gian tới mà còn khẳng định sự quan tâm ngày càng cao của Paris tới khu vực Đông Nam Á.
Một chuyến đi nhiều mục đích
 
Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) và người đồng cấp Philippines Benigno Aquino hội đàm tại Manila

Theo thống kê mới nhất, kim ngạch thương mại song phương Philippines - Pháp đạt 2,39 tỷ USD trong năm 2014, đưa Pháp trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Philippines tại Liên minh Châu Âu (EU). Con số này được dự báo sẽ tăng nhanh trong năm nay sau khi hàng loạt thỏa thuận hợp tác về thương mại, du lịch, giáo dục đào tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng... vừa được ký kết dưới sự chứng kiến của Tổng thống F.Hollande và người đồng nhiệm Benigno Aquino.
 
Trong bối cảnh nền kinh tế Pháp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài suốt 5 năm qua, bước tăng cường hợp tác với một trong những "con rồng" Châu Á, có vị trí địa lý ở cửa khẩu của ASEAN, được cho là sẽ phần nào giúp thúc đẩy tăng trưởng tại xứ Lục lăng.
 
Về an ninh, theo các nhà phân tích, không phải ngẫu nhiên chuyến thăm tới một quốc gia có đông người theo đạo Hồi được Paris thực hiện không lâu sau vụ tấn công khủng bố nhắm vào tòa soạn Tạp chí tranh biếm họa Charlie Hebdo ở Paris gây chấn động cả thế giới, cướp đi sinh mạng của 20 người.
 
Trong khi đó, Philippines là một quốc gia thường xuyên bị các phần tử Hồi giáo cực đoan đe dọa. Giáo hội Công giáo tại Philippines từ nhiều năm nay, đã trở thành mục tiêu bị các phần tử Hồi giáo cực đoan tại các tỉnh tấn công. Đặc biệt là ở khu vực miền Nam, nơi có cộng đồng người Hồi giáo rất đông đảo, trong đó điển hình là sự lộng hành của các phần tử quá khích thuộc nhóm Abu Sayyaf. Nhóm này tập hợp gồm vài trăm phiến quân, thành lập bằng tiền do Al-Qaeda cung cấp và được cho là thủ phạm nhiều vụ tấn công khủng bố tệ hại nhất trong lịch sử Philippines.
 
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một trong những nội dung được Tổng thống Pháp F.Hollande và Tổng thống Philippines B.Aquino bàn thảo là vấn đề khủng bố quốc tế. Đây cũng là một thông điệp của Tổng thống F.Hollande nhằm khẳng định quyết tâm và nâng cao vai trò của Paris trong cuộc chiến đầy thách thức này.
 
Một lĩnh vực khác không kém phần quan trọng mà ông chủ điện Elysée mang tới Manila là vấn đề biến đổi khí hậu. Với vai trò là quốc gia chủ nhà của Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP-21) được tổ chức vào tháng 12 tới, nhà lãnh đạo Pháp muốn tranh thủ chuyến công du Philippines để vận động sự ủng hộ của Manila về giải pháp kiềm chế đà nóng lên của khí quyển Trái đất. Sau thất bại tại Hội nghị Thượng đỉnh Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009, Tổng thống F.Hollande không che giấu tham vọng "ghi dấu ấn" bằng một thỏa thuận lịch sử nhằm hạn chế hiện tượng tăng nhiệt độ toàn cầu.
 
Trong khi đó, Philippines được đánh giá là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; đồng thời là quốc đảo phải đương đầu với nhiều cơn bão nghiêm trọng trong những năm gần đây. Trong đó có siêu bão Hải Yến khiến hơn 7.350 người chết và mất tích hồi tháng 11-2013.
 
Nếu thành hiện thực, mối quan hệ mật thiết Pháp - Philippines có thể trở thành hình mẫu cho sự hợp tác giữa một nước phát triển và một nước đang phát triển - một quốc gia Đông Nam Á với Cựu lục địa - lâu nay vẫn bất đồng về trách nhiệm và phần đóng góp của mỗi bên trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
 
Quan trọng hơn, nếu tại COP-21, thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu được ký kết sẽ thay thế cho Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2020, với nội dung thúc đẩy mục tiêu của Liên hợp quốc về hạn chế nhiệt độ toàn cầu nóng lên thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Qua đó, vai trò của xứ Lục lăng trên các diễn đàn quốc tế, vốn bị đánh giá là suy giảm trong thời gian gần đây, sẽ được nâng lên đáng kể.
Theo Phương Quỳnh
Hà Nội mới