1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Moscow cảnh báo sẽ đối phó kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ

(Dân trí) - Hôm thứ ba (27/5), một vị tướng cao cấp của Nga cho biết quân đội sẽ tiến hành các biện pháp đối phó cần thiết nhằm đáp trả kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ, nhưng khẳng định Moscow không có ý định phát triển một hệ thống tên lửa tương tự.

Trung tướng Yevgeny Buzhinsky, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ Quốc phòng Nga, cho biết Nga đang cân nhắc bước đi “đối xứng” khi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của mình tại châu Âu, nhưng từ chối tiết lộ thông tin chi tiết. Ông khẳng định Nga sẽ đáp trả kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ mà không dính vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Theo ông, Nga không có kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đang thực hiện sứ mệnh bảo vệ Moscow, được xây dựng theo Hiệp ước ABM 1972. Năm 2002, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước này nhằm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía Nga.

Mới đây, Washington hứa sẽ tạm ngừng vận hành các trạm mới thuộc hệ thống tại Ba Lan và Cộng hòa Séc nếu Iran chứng minh được rằng họ không phải mối đe dọa tới châu Âu. Đồng thời, Mỹ đồng ý để chuyên gia Nga vào giám sát các trạm này nhằm đảm bảo chúng không nhằm thẳng vào nước Nga.

Vị tướng này cho biết Nga xem các đề xuất của Mỹ là nhằm làm dịu mối lo ngại từ phía Nga, song các đề xuất này chưa đủ thuyết phục để thay đổi lập trường của Nga rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đe dọa an ninh quốc gia Nga.

Ông bác bỏ những bảo đảm của Mỹ rằng hệ thống radar tại Cộng hòa Séc và hệ thống pin cho 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan không đe doạ tới các kho hạt nhân của Nga, và khẳng định Mỹ hoàn toàn có khả năng nhanh chóng mở rộng hệ thống này. Ông cũng thêm rằng các biện pháp xây dựng lòng tin của Mỹ thiếu chi tiết và được “hoạch định theo cách Mỹ có thể trì hoãn tại bất cứ thời điểm nào.”

Hơn nữa, tướng Buzhinsky cho biết những cuộc đàm phán về việc cho phép chuyên gia Nga tiếp cận các căn cứ tại Ba Lan và Cộng hòa Séc còn nhiều vướng mắc. Ông khẳng định yêu cầu xem xét các cơ sở quân sự tại khu vực Kaliningrad của Nga (giáp với Ba Lan và Lithuania) là “vô lý” và thúc giục Mỹ thuyết phục các đồng minh của mình cho phép giám sát viên của Nga được vào các căn cứ tại Ba Lan và Cộng hòa Séc.

Nhật Lệ
Theo IHT