1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mộng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc thách thức cả thế giới

(Dân trí) - Chuyên gia John Hemmings của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), trong bài viết ngày 28/5 khẳng định Bắc Kinh đã vi phạm trắng trợn các quy tắc của quốc tế và thách thức thế giới trên Biển Đông. Đã đến lúc Mỹ và các đồng minh hành động mạnh mẽ hơn.

Theo chuyên gia John Hemmings, đến từ Diễn đàn Thái Bình Dương của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhà nghiên cứu về chiến lược liên minh của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, để chặn đà độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, Mỹ cần triển khai đồng thời cả các biện pháp quân sự và chính trị, với sự tham vấn chặt chẽ các đồng minh, các bên liên quan trong khu vực.

Mộng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc thách thức cả thế giới
Hoạt động xây căn cứ quân sự trên Biển Đông của Trung Quốc đang thách thức luật pháp thế giới (Ảnh: AFP)

Trong bài viết đăng tải trên trang National Interest ngày 28/5, chuyên gia này cho rằng việc Mỹ công khai video ghi hình từ máy bay do thám P-8 Poseidon của hải quân, sau khi áp sát khu vực bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông là một bước đi mạnh mẽ khiến không ít người bị sốc.

Hình ảnh các tàu của Trung Quốc cùng thiết bị phụ trợ đang cần mẫn hoạt động để xây các căn cứ không quân tại đây đã cho thấy sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.

Bởi “hầu hết các đảo Trung Quốc chiếm đóng nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hoặc Philippines, và hành động của Trung Quốc có thể được diễn giải là sự xâm lược trên biển”.

Cho dù Bắc Kinh liên tục biện bác, cả cách hành xử của họ lẫn cái gọi là đường 9 đoạn đều không phù hợp với luật pháp quốc tế, hay Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Những tuyên bố lịch sử của Trung Quốc cũng không mấy có giá trị , như một nghiên cứu của học giả Biển Đông Bill Hayton mới đây cho thấy.

Tháng 9/2014, ông Bill Hayton từng chỉ ra không có nhà thám hiểm hay đô đốc nào của nhà nước phong kiến Trung Quốc trước đây đưa ra tuyên bố chủ quyền với các khu vực trên Biển Đông, phản bác lập luận của học giả Trung Quốc.

Do vậy, theo ông Hemmings, các hành động của Trung Quốc là “một sự vi phạm rõ ràng các hệ thống quy tắc được cả thế giới thông qua, và là một thách thức lớn đối với trật tự toàn cầu”, đặc biệt là khi nó diễn ra tại khu vực có nhiều tuyến hàng hải trọng yếu nhất của thế giới.

Từ đây, chuyên gia này đặt câu hỏi, nếu Trung Quốc được tự do xây đảo nhân tạo, kiểm soát các tuyến hàng hải quan trọng, thì điều gì có thể ngăn chặn những kẻ cạy thế bắt nạt mới của thế giới? Mục đích chiến lược của Bắc Kinh chính xác là gì và thế giới cần làm gì để ngăn chặn.

Chắc chắn các mỏ dầu và khí đốt dưới đáy biển, cũng như nguồn hải sản phong phú tại Biển Đông có ảnh hưởng nhất định tới tham vọng làm chủ khu vực này của Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo ông Hemmings, mục tiêu chính Trung Quốc nhắm tới là kiểm soát một trong những tuyến hàng hải thương mại sôi động nhất thế giới.

Mỹ và các đồng minh, đối tác trong khu vực cần hành động kiên quyết và nhịp nhàng (Ảnh:
Mỹ và các đồng minh, đối tác trong khu vực cần hành động kiên quyết và nhịp nhàng (Ảnh: AP)

Đây là bước đầu tiên trong chiến lược 3 bước, gồm độc chiếm Biển Đông bằng sức mạnh quân sự; tận dụng quyền kiểm soát mới này để phát triển một hệ thống mới xoanh quanh Trung Quốc tại Đông Nam Á, nhắm tới việc các nước thành viên ASEAN phải thuận theo chính sách đối ngoại của Trung Quốc; và cuối cùng là sử dụng ảnh hưởng và quyền kiểm soát này để gây áp lực lên Hàn Quốc, Đài Bắc, Manila và Tokyo - 4 đồng minh của Mỹ trong khu vực và là những bên phụ thuộc lớn vào tuyến hàng hải trên Biển Đông.

Để ứng phó với chiến lược này của Bắc Kinh, “Washington cần dịch chuyển mạnh mẽ chính sách phòng ngừa từ nặng về đối thoại sang chính sách cân bằng hơn, về mặt chính trị và quân sự”, chuyên gia của CSIS khẳng định.

Theo đó, Mỹ cần đồng thời sử dụng cả con bài chính tri và quân sự, với sự tham vấn chặt chẽ các đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, mà bước đi đầu tiên có thể là xúc tiến một nỗ lực ngoại giao đa phương lâu dài, để tổ chức một hội nghị phi quân sự hóa vùng biển này.

Tiếp đó, để gây áp lực đưa Trung Quốc tới bàn nghị sự, Mỹ cần hỗ trợ một sự thay đổi chiến lược nhịp nhàng về vị thế quân sự tại Philippines và Đài Loan. Với sự hỗ trợ từ Mỹ, Nhật và Úc, Philippines và Đài Loan có thể xây dựng năng lực bất đối xứng mạnh, hay khả năng chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực (A2/AD).

Các hệ thống radar, hệ thống phòng không và tên lửa đối hạm cơ động nếu được xây dựng hàng loạt có thể ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc trong việc làm chủ vùng biển và vùng trời tại Biển Đông. Các hệ thống này cần vô hiệu hóa các căn cứ mới của Trung Quốc, trong khi vẫn mang tính phòng thủ và không khiêu khích.

Tất nhiên các căn cứ trên đảo của không quân Trung Quốc có thể được củng cố, và sự hiện diện của họ tiếp tục là một dạng đòn bẩy thời bình cho Bắc Kinh, nhưng về mặt chiến thuật, nó sẽ không có nhiều ý nghĩa. Hơn thế, việc sử dụng các sân bay này khi khủng hoảng xảy ra sẽ hoàn toàn bị thách thức từ không phận Đài Loan và Philippines.

Một khi Trung Quốc tiếp tục tăng cường lực lượng tại đây, Mỹ và đồng minh có thể đối phó. Còn nếu Bắc Kinh tìm tới giải pháp ngoại giao, cả hai phía đều có thể “đóng băng” hoạt động củng cố quân sự của mình.

Hiện tại, các chính sách của Mỹ và đồng minh vẫn đang dựa vào diễn biến trên thực địa. Mỹ, Nhật và Úc đang có sự phối hợp ngày một nhịp nhàng hơn tại Biển Đông, nhưng Trung Quốc còn hành động nhanh hơn nhiều so với dự báo. Nếu Mỹ và đồng minh muốn ngăn chặn, họ sẽ phải hành động nhanh hơn vậy.

Thanh Tùng
Theo National Interest