1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mối quan hệ “nóng lạnh thất thường” của ông Trump và Abe

(Dân trí) - Sự bất đồng quan điểm về các vấn đề thương mại và an ninh mà cả 2 bên cùng quan tâm đã đẩy mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở nên “nóng lạnh thất thường”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: Reuters)

Trong một cuộc họp tại Nhà Trắng hồi tháng 6, Tổng thống Trump được cho là đã khiến Thủ tướng Abe hết sức ngạc nhiên khi ông đột nhiên nói: “Tôi nghĩ đến Trân Châu Cảng”. Nhà lãnh đạo Nhật Bản dường như chưa thể hiểu được dụng ý phía sau của ông Trump khi đề cập tới vụ tấn công của Nhật Bản năm 1941, sự kiện sau đó đã kéo Mỹ tham gia vào Thế chiến 2.

Mặc dù Tokyo ngày 29/8 đã bác bỏ thông tin rằng ông Trump đã đề cập tới Trân Châu Cảng, nhưng cuộc họp "căng thẳng" trên dường như đã khiến cho ông Abe phật ý vì liên tiếp bị chỉ trích. Theo một nguồn thạo tin, ông Trump liên tiếp chỉ trích chính sách kinh tế Nhật Bản. Ông nói về thâm hụt thương mại giữa Washington và Tokyo, hối thúc ông Abe thương lượng về thỏa thuận thương mại song phương mang lại lợi ích cho mặt hàng xuất khẩu của Mỹ.

Theo Washington Post, tuy ông Abe được coi là lãnh đạo nước ngoài có mối quan hệ cá nhân thân thiết nhất với ông Trump, nhưng quan hệ giữa họ ẩn chứa nhiều điểm lạ lùng và thỉnh thoảng lại xảy ra căng thẳng.

Giới quan sát nhận định rằng hai nhà lãnh đạo có một mối quan hệ chặt chẽ. Ông Trump đã gặp ông Abe 8 lần, nhiều hơn bất cứ lãnh đạo quốc gia nào, và điện đàm với ông Abe 26 lần. Các trợ lý Nhà Trắng nói rằng 2 nhà lãnh đạo từng nói đùa về việc chơi golf.

Tổng thống Mỹ khen Thủ tướng Nhật Bản là một nhà đàm phán hiểu biết và một đối tác xứng tầm. Ông gọi ông Abe là người bạn tốt. “Tôi chưa bao giờ nghe thấy ông Trump nói điều gì tiêu cực về ông Abe”, một quan chức Mỹ giấu tên, cho biết.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, cách tiếp cận về vấn đề Triều Tiên và bất đồng quan điểm về chính sách thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản dường như đã khiến ông Trump và ông Abe rơi vào tình trạng thương lượng bế tắc.

Trong một khoảng thời gian dài, ông Abe dường như rất đầu tư vào mối quan hệ cá nhân với ông Trump. Ông công khai đánh giá cao “khả năng lãnh đạo nổi trội và đáng nhớ” của Tổng thống Mỹ. Ông Abe cũng tặng ông Trump cây gậy đánh golf bằng vàng 3.800 USD, cũng như không ban hành biện pháp trả đũa Mỹ tăng thuế lên nhôm và thép nhập khẩu từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, Nhật Bản tới thời điểm này vẫn đang chuẩn bị phải đối mặt với thuế quan áp lên mặt hàng ô tô, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Tokyo.

“Ông Abe hy vọng quan hệ cá nhân giữa ông và ông Trump có thể hình thành nên mối quan hệ song phương bền vững. Nhưng trên cả 2 lĩnh vực an ninh và kinh tế, rõ ràng ông Abe đã không nhận được kết quả mong muốn”, ông Shihoko Goto, chuyên gia tại Trung tâm Wilson (Washington), nhận định.

Ông Trump chơi golf bằng cây gậy vàng ông Abe tặng (Ảnh: Twitter)
Ông Trump chơi golf bằng cây gậy vàng ông Abe tặng (Ảnh: Twitter)

Trong lĩnh vực an ninh, ông Trump dường như đã khiến ông Abe “phật lòng”. Một số quan chức Nhật Bản ẩn danh nói rằng, trong những cuộc điện đàm và gặp gỡ trước thềm hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hồi tháng 6, ông Abe đã liên tục khuyên ông Trump không nên dừng tập trận với Hàn Quốc hoặc chưa vội vàng đồng ý về việc sẽ chấm dứt tình trạng chiến tranh với Triều Tiên cho tới khi Bình Nhưỡng có những động thái cho thấy họ đã phi hạt nhân hóa. Mặc dù vậy, ý kiến của ông Abe dường như bị “phớt lờ” hoàn toàn.

Quay trở lại với vấn đề thương mại, chính quyền ông Trump hiện tại rõ ràng cần tăng cường hợp tác với Nhật Bản để giành lại tầm ảnh hưởng Mỹ có thể mất đi ít nhiều tại khu vực sau khi Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thêm vào đó, các quan chức từ 2 nước đều cho rằng sự kiên nhẫn của của Tokyo với Washington về các kinh tế và thương mại dường như có giới hạn nhất định.

Hồi tháng 6, ông Abe đã từ chối thỏa thuận thương mại song phương có lợi cho Mỹ trong một cuộc họp tại Nhà Trắng. Một tháng sau, Bộ trưởng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tiếp tục từ chối lời đề nghị với thông điệp thậm chí cón mạnh mẽ hơn: “Nhật Bản sẽ không hợp tác với bất cứ quốc gia nào để làm điều có thể gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia”, ông Suga nói.

Tuần trước, một quan chức thương mại cấp cao Nhật Bản cảnh báo rằng Tokyo sẽ đáp trả nếu chính quyền ông Trump áp thuế 25% lên xe ô tô Nhật Bản.

Tuy nhiên, có một thực tế mà Nhật Bản vẫn phải chấp nhận rằng Nhật Bản cần sự hiện diện quân sự của Mỹ tại vùng Viễn Đông để đảm bảo an ninh quốc gia của Tokyo.

Giới quan sát đánh giá, trong tình hình hiện tại, dường như ông Abe đang cần ông Trump hơn là ông Trump cần ông Abe. Thủ tướng Nhật rõ ràng mong muốn sự hỗ trợ của Mỹ trong vấn đề người Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc, thuế quan thương mại hay vấn đề an ninh.

Tuy nhiên, để có thể đảm bảo có thể nắm giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa, ông Abe không thể đánh đổi lấy những gì ông Trump muốn: Tokyo phải đơn phương nhượng bộ để hàng hóa nông nghiệp Mỹ có thể dễ dàng vào thị trường Nhật Bản hơn. Đây rõ ràng là vấn đề rất nhạy cảm ở Nhật Bản vào thời điểm hiện tại.

Đức Hoàng

Theo SCMP