1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Mổ xẻ” hiệp ước cắt giảm vũ khí mới của Nga - Mỹ

(Dân trí) - Hiệp ước cắt giảm vũ khí mới “New START” Nga và Mỹ vừa ký kết còn được gọi là START II, thay thế cho START I đã hết hạn vào tháng 12 năm ngoái, khiến người ta liên tưởng đến một "khởi đầu mới" cho quan hệ Nga -Mỹ, cho tầm nhìn hạt nhân mới.

“Mổ xẻ” “New START”

 

“Mổ xẻ” hiệp ước cắt giảm vũ khí mới của Nga - Mỹ - 1
Cái bắt tay được cho là “New START” giữa Nga và Mỹ.
 

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga đã ký hiệp ước “New START” tại buổi lễ với sự tham dự của hàng trăm quan khách ở Lâu đài Praha được trang hoàng theo lối Tây Ban Nha và giờ là dinh thự của Tổng thống Cộng hòa Séc, ở thủ đô Praha.

 

Theo hiệp ước mới, mỗi bên được phép sở hữu tối đa 1.550 đầu đạn, thấp hơn khoảng 30% con số 2.200 đầu đạn theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí phòng thủ chiến lược (SORT) đạt được năm 2002.

 

Ngoài ra, hiệp ước cũng giới hạn số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được triển khai, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng được trang bị vũ khí hạt nhân không quá 700.

 

Hiệp ước cũng giới hạn các hệ thống mang đầu đạn giảm hơn một nửa so với mức trần 1.600 trước đây, mặc dù mỗi máy bay ném bom hạng nặng được coi là một đầu đạn, bất chấp máy bay đó có thể mang nhiều loại bom hay tên lửa.

 

Trước đó, vào ngày thứ ba, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gọi hiệp ước “New START” đánh dấu “cấp độ tin cậy mới” giữa hai nước.

 

Ông cho rằng hiệp ước STARTcũ, đã hết hạn vào tháng 12 năm ngoái, được “sản sinh trong thời Chiến tranh Lạnh” và có nhiều “phân biệt đối xử” với Nga.

 

Ông Lavrov nhấn mạnh rằng hiệp ước mới công khai thừa nhận mối liên hệ trực tiếp giữa vũ khí hạt nhân tấn công và các hệ thống phòng thủ tên lửa, và cảnh báo rằng nước ông có thể rút khỏi hiệp ước này nếu cảm thấy bị đe dọa bởi các kế hoạch của Mỹ.

 

Đó là lo ngại của Mátxcơva đối với kế hoạch đặt tên lửa đánh chặn của Washington tại Ba Lan và một trạm radar tại Cộng hòa Séc, kế hoạch đã khiến việc ký kết hiệp ước mới ngày hôm nay bị trì hoãn nhiều lần. Hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Obama đã quyết định “treo” kế hoạch này.

 

Nhà Trắng cho biết họ hi vọng và dự đoán Thượng viện Mỹ sẽ thông qua hiệp ước mới ký này vào năm nay. Hiệp ước cần phải có 67 phiếu ủng hộ tại Thượng viện, có nghĩa là phải cần cả sự ủng hộ của phe Cộng hòa.

 

Hạ viện Nga, hay Duma Quốc gia Nga, cũng cần phải thông qua hiệp ước mới này, nhưng được đánh giá là không có gì khó khăn, khi Kremlin đã ủng hộ.

 

Tầm nhìn giải giáp

 

Theo các chuyên gia, ý nghĩa thực sự của hiệp ước mới là nó cho thấy mối quan hệ đang nồng ấm dần giữa Nga và Mỹ, và có lẽ truyền tải thái độ cứng rắn hơn của Nga đối với chương trình hạt nhân của Iran.

 

Hiệp ước còn được coi là một thành công của Obama trong mục tiêu giải giáp hạt nhân của mình, tạo tiền đề tốt cho ông ở hội nghị thượng đỉnh nhằm xem xét Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) sắp được tổ chức tại Washington.

 

Cuộc “đại tu” hiệp ước đã 40 năm tuổi NPT được xem là cột mốc trung tâm trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lan rộng của vũ khí hạt nhân của Tổng thống Mỹ.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia Mỹ phải mất thêm nhiều năm đàm phán với người Nga mới có thể cắt giảm nhiều hơn nữa số vũ khí hạt nhân tầm xa.

 

Vào hôm thứ ba vừa qua, Tổng thống Obama đã công bố chính sách mới về vũ khí hạt nhân của nước này, giới hạn các trường hợp Mỹ có thể dùng vũ khí hạt nhân. “Nước Mỹ sẽ không dùng hoặc đe dọa dùng vũ khí hạt nhân đối với các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân, đã ký Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân và tuân thủ theo các trách nhiệm về chống phổ biến vũ khí hạt nhân của họ”, chính sách mới quy định.

 

Các nước Mỹ coi là không tuân thủ NPT, trong đó có Iran và Triều Tiên, sẽ không nằm trong cam kết trên. Triều Tiên đã rút khỏi NPT vào năm 2003, trong khi Mỹ cho rằng Iran đang bí mật phát triển vũ khí hạt nhân, mặc dù Tehran luôn phủ nhận.

 

Ông Obama cũng cam kết sẽ không phát triển thêm bất kỳ loại vũ khí hạt nhân mới nào, một động thái được đưa ra bất chấp sự phản đối của Lầu Năm Góc.

 

Phan Anh

Theo BBC