"Mây mù" trong quan hệ ngoại giao Nga – Đông Âu
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga và các nước Đông Âu thuộc các nước xã hội chủ nghĩa trước đây cũng như các nước SNG đã có những căng thẳng, đặc biệt là từ năm ngoái, sau khi nổ ra cuộc cách mạng nhung tại Ukraine.
Xích mích Nga – Ba Lan
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mối quan hệ Nga - Ba Lan gần đây xấu đi là do ngày 31/7/2005, 3 người con của các quan chức ngoại giao Nga tại Ba Lan đã bị đánh và bị cướp tài sản ngay trên đường phố Warszawa.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Nga đưa kháng nghị thư chính thức lên Đại sứ Ba Lan tại Nga, yêu cầu phải tiến hành điều tra và trừng phạt nghiêm khắc những kẻ gây ra vụ việc này, phía Ba Lan phải chính thức xin lỗi phía Nga.
Ba Lan thì chẳng thèm để ý gì đến chỉ trích của Nga, chỉ bày tỏ “lấy làm tiếc trước sự việc” và kiên quyết cho rằng sự việc này chỉ là vụ án hình sự nên Ba Lan không xin lỗi Nga. Tiếp sau đó là vụ 3 quan chức ngoại giao và phóng viên của Ba Lan bị đánh trọng thương tại Moscow mà không rõ lý do.
Trên thực tế thì quan hệ Nga - Ba Lan đã căng thẳng từ cuối năm ngoái. Sự việc bắt đầu bằng việc Tổng thống Ba Lan Kwasniewski thẳng thừng tuyên bố rằng “một nước Nga không có Ukraine sẽ tốt hơn nhiều một nước Nga luôn có Ukraine bên cạnh" và tuyên bố đã dẫn đến sự bất bình mạnh mẽ của phía Nga.
Tháng 1/1005, ông Kwasniewski lại tuyên bố sẽ chất vấn ông Putin về vấn đề Yukos nhân dịp ông đến Ba Lan dự lễ kỷ niệm 60 năm giải phóng các trại tập trung phát xít. Lập tức Tổng thống Putin từ chối cuộc gặp song phương với Ba Lan nhân chuyến thăm này. Sau đó, trước buổi lễ Nga kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát xít Đức, các nghị sĩ Ba Lan tuyên bố họ cần “tính món nợ” trong Thế chiến II với Nga, thậm chí Tổng thống Ba Lan đã không quên chỉ trích Liên Xô trước đây là nước gây ra “tổn thất nghiêm trọng chủ quyền” của Ba Lan.
Những mâu thuẫn trong quan hệ Nga – Đông Âu
| |
Tổng thống Ba Lan Kwasniewski đã nhiều lần chỉ trích Nga. |
Quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ba Lan chỉ là hình ảnh thu nhỏ trong tổng thể mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa và các nước Đông Âu vài năm gần đây. Nhất là kể từ khi nổ ra “cuộc cách mạng nhung” ở Ukraine, chính sách của Đông Âu đối với Nga ngày càng cứng rắn và mâu thuẫn hai bên liên tục xảy ra. Theo dư luận đánh giá, hiện nay giữa hai bên đang tồn tại 6 mâu thuẫn lớn như sau:
Một là, bất đồng về vấn đề lịch sử: gần đây, một số nước Đông Âu yêu cầu Nga phải xin lỗi và bồi thường cho 3 nước vùng Baltic vì “Liên Xô đã xâm chiếm nước họ trong Thế chiến II”. Phía Nga đã chỉ trích rất mạnh hành động “lật án” đối với một giai đoạn lịch sử và tuyên bố quyết không để các nước Đông Âu “bán rẻ lịch sử”.
Hai là, tranh chấp lãnh thổ: Lithuania, Estonia đơn phương đòi Nga phải nhượng lại “phần lãnh thổ mà họ cho là của họ”. Tranh thủ cơ hội này, EU đã nhảy vào can thiệp, điều này làm cho Nga cảm thấy rất tức giận và mâu thuẫn tranh chấp lãnh thổ giữa các nước nói trên ngày càng gay gắt.
Ba là, “đấu tranh” cách mạng: Ba Lan và 3 nước vùng Baltic đã giữ vai trò là “những con tốt” của phương Tây trong “cuộc cách mạng nhung" tại Ukraine vừa qua. Hơn nữa, các nước Đông Âu còn có ý tưởng xây dựng một “cộng đồng chung theo dân chủ” tại Đông Âu và tiếp tục ấp ủ ý đồ mở rộng “cách mạng màu” sang khu vực các nước SNG khác. Trong bối cảnh đó, Nga và các nước Đông Âu đã xảy ra cuộc đấu tranh quyết liệt phía sau các “cuộc cách mạng màu”.
Bốn là, bất đồng về giao lưu kinh tế: Nga có ý đồ thông qua đầu tư và mua lại các cơ sở sản xuất mang tính chiến lược ở các nước Đông Âu nhằm làm tăng thêm sự lệ thuộc của các nước Đông Âu vào việc cung cấp nguồn dầu mỏ và năng lượng từ Nga, từ đó gây ảnh hưởng đến chính sách của các nước Đông Âu đối với Nga.
Năm là, xung đột nhân quyền: Nga chỉ trích hai nước Lithuania, Estonia không cho dân địa phương nói tiếng Nga được hưởng quyền bầu cử và quyền ứng cử - quyền cơ bản nhất của con người. Chính phủ Nga cố gắng thông qua các con đường, kênh đối thoại để tìm ra tiếng nói chung, nhưng đều không hiệu quả.
Các nước Đông Âu thuộc khối EU không những tìm mọi cách bảo vệ cho hai nước này, mà còn yêu cầu EU cần có chính sách cứng rắn hơn với Nga, phê phán công khai cách làm của Tổng thống Putin về vấn đề này.
Sáu là, đối lập về an ninh: Đông Âu và các nước phương Tây ra sức ủng hộ Mondova và đưa ra thời gian biểu buộc Nga phải rút quân khỏi đất nước này. Các nước như Rumani, Bungari còn mời quân Mỹ đến đóng tại các nước này, sau khi Mỹ rút quân khỏi Đức và họ còn cùng với Mỹ tiến hành diễn tập quân sự trên biển Baltic mà kẻ thù giả là "địch" Nga. Điều này như là sự chọc tức không thể chấp nhận được đối với Nga
Theo Thanh Trung
An ninh thế giới/Thời báo Hoàn cầu