Máy bay Sudan chở 100 hành khách bị cướp
(Dân trí) - Các quan chức hàng không Sudan cho hay, một chiếc máy bay chở khách của nước này hôm qua đã bị không tặc khống chế sau khi cất cánh từ Nyala, thuộc khu vực Darfur.
Một người đàn ông mang dao đã khống chế chiếc máy bay chở khoảng 100 hành khách, buộc nó phải hạ cánh xuống một sân bay thời Thế chiến II thuộc quốc gia láng giềng Libya.
Chiếc máy bị không tặc khống chế là một chiếc Boeing 737, thuộc Sunair, một hãng hàng không tư nhân của Sudan có trụ sở tại Khartoum. Máy bay cất cánh tại sân bay Nyala ở miền nam Darfur vào khoảng 17h30 giờ địa phương và đang trên đường tới Khartoum nhưng đã bị cướp khoảng 20 phút sau đó. Máy bay đã phải hạ cánh xuống Libya, sau lần cố gắng hạ cánh đầu tiên xuống Cairo, Ai Cập.
Các quan chức hàng không Libya xác nhận, chiếc Boeing 737 đã hạ cánh xuống một sân bay quân sự nhỏ ở Kufra, một ốc đảo sa mạc ở phía đông nam của đất nước nhiều dầu mỏ, gần biên giới với Sudan và Ai Cập.
| |
Chiếc máy bay của hãng hàng không Sunair cất cánh từ Nyala và đang trên đường tới thủ đô Khartoum. |
“Cho tới nay chúng vẫn từ chối công bố danh tính. Chúng tôi đang cố gắng xác định xem bọn không tặc có bao nhiêu người và yêu cầu của chúng là gì”, một quan chức Libya giấu tên tiết lộ và nói thêm rằng liên lạc với bọn không tặc vẫn đang được duy trì.
“Chúng tôi đã cung cấp nước cho bọn không tặc. Nhưng hiện tại chúng chỉ đòi nhiên liệu để cất cánh trở lại”.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu tên không tặc trên máy bay và động cơ của chúng.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của Phong trào Giải phóng Sudan (SLM), từng là một nhóm nổi loạn ở Dafur, cho biết 3 trong số các thành viên cấp cao của nhóm này đã đi trên chiếc bay bị cướp.
Năm 2006, SLM đã ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ Sudan, yêu cầu nhiều thoả hiệp hơn từ phía chính phủ, trong khi hầu hết các nhóm nổi dậy khác từ chối.
Trước đó, Sudan cũng có vài vụ không tặc máy bay mà gần đây nhất là vào tháng 1/2007. Khi đó, một người đàn ông đã khống chế chiếc máy bay cất cánh từ thủ đô Khartoum và chĩa súng, buộc phi công phải bay sang quốc gia láng giềng Chad. Kẻ không tặc sau đó đã đầu hàng và rất may không ai trong số hơn 100 hành khách bị thương.
Ánh Ninh
Theo AP