Tình hình Trung Đông-Bắc Phi:
Máy bay không người lái Mỹ “đánh” Libya, Tổng thống Yemen “sẽ từ chức”
(Dân trí) - Washington tuyên bố đã thực hiện cuộc không kích đầu tiên bằng máy bay không người lái Predator vào Libya; Tổng thống Yemen chấp nhận từ chức “trong 30 ngày”; Tiếp tục đổ máu tại Syria. Đó là những diễn biến mới nhất liên quan đến khu vực Trung Đông-Bắc Phi.
Liên quan chiến sự Libya, một thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng quân đội Mỹ đã thực hiện cuộc không kích đầu tiên bằng máy bay không người lái Predator vào Libya ngày hôm qua, nhưng không cho biết địa điểm bị tấn công.
Vụ không kích này là một phần của nỗ lực do NATO lãnh đạo để thực thi “Vùng cấm bay” ở Libya, nơi phe nổi dậy đang tham chiến để lật đổ chính phủ của nhà lãnh đạo Gadhafi.
Tại Misrata, nơi xảy ra những vụ giao tranh dữ dội nhất, phe nổi dậy hôm qua tuyên bố chiến thắng trong lúc các lực lượng trung thành với ông Gadhafi rút lui.
Ngay trước đó, giới hữu trách Libya nói rằng quân đội của họ sẽ rút khỏi thành phố Misrata và số phận của thành phố sẽ được định đoạt bởi “các bộ tộc xung quanh Misrata và người dân Misrata”; còn lực lượng NATO đã dội bom một khu vực gần khu nhà của ông Gadhafi ở Tripoli, đánh trúng những địa điểm mà các nhà báo mô tả là một cơ sở quân sự. Không có tin về thương vong trong vụ này.
Tại Yemen, các quan chức chính phủ cho biết Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã chấp thuận đề nghị của các nhà hòa giải trong vùng Vịnh muốn ông chuyển giao quyền lực và từ chức trong vòng 30 ngày.
Giới chức Yemen hôm qua xác nhận chính phủ đã thông báo cho Tổ chức Các quốc gia vùng Vịnh (GCC - gồm 6 nước) tin này, theo đó, Tổng thống Saleh sẽ từ bỏ quyền lực đã nắm giữ từ 30 năm qua. Đổi lại, ông Saleh, gia đình ông và các trợ lý cao cấp sẽ được hưởng quyền miễn tố.
Vẫn theo kế hoạch này, Tổng thống Saleh sẽ chuyển quyền cho một người phó tổng thống và người này sẽ tổ chức bầu cử tổng thống mới.
Sau đó, sẽ có một chính phủ đoàn kết trong đó đảng cầm quyền sẽ nắm phân nửa ghế bộ trưởng, 40% số ghế về tay liên minh đối lập, và 10% thuộc về những người không thuộc đảng nào.
Tổng thư ký của GCC, ông Abdullatif al-Zayani đã trình bày kế hoạch này cho ông Saleh hôm thứ năm tuần trước hy vọng chấm dứt bất ổn tại Yemen.
Còn ở Syria, xung đột giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh hôm qua lại khiến nhiều người thiệt mạng.
Người dự tang lễ tại quận Barzeh thuộc ngoại thành Damascus đã khiêng trên vai xác của các nạn nhân chết trong cuộc biểu tình một ngày trước đó, vừa đi vừa hô to các khẩu hiệu chống chính phủ và đòi Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức ngay. Súng đã nổ ngay lúc đó.
Có tin cho biết nhiều người bị chết và bị thương ở hai thành phố Diraa, Homs và vùng ngoại thành Damascus. Hàng ngàn người khác bị bắt. “Loan báo của chính phủ rút lại lệnh thiết quân luật chẳng làm thay đổi điều gì”, một người dân nói.
Hai đại biểu Quốc hội đơn vị Diraa tuyên bố từ chức để phản đối việc chính phủ dùng vũ lực tại đây. Trong khi đó, các cơ quan truyền thông nhà nước Syria cho rằng “Facebook, YouTube và Twitter đang nói dối về các diễn biến trong nước ta”.
Hãng tin SANA của nhà nước nhấn mạnh có “những lực lượng bên ngoài” đang mở chiến dịch “đầu độc” và cường điệu về tầm vóc của các cuộc biểu tình.
Ông Fouad Ajami, chuyên viên về Trung đông của viện nghiên cứu Hoover ở California phân tích: “Cách mạng ở Syria không giống như cách mạng tại Ai Cập hoặc Tunisia. Một khi cách mạng nổ ra ở Syria, nó mang màu sắc Syria. Màu sắc ở đây phải là bạo lực và phe phái tôn giáo. Chính quyền Syria sẽ huy động giáo phái Alawi với các đồng minh là Ky-tô và Ismaili để chống lại giáo phái Sunni chiếm đa số và thuộc thành phần trung lưu.”
Chuyên viên Ajami còn nói rằng lực lượng mật vụ, tình báo trung thành với chính phủ Syria khiến cho tình hình xáo trộn tại đây khác với Libya. Phe đối lập Syria thì nói rằng họ thấy các thành viên của nhóm Hezbollah ở Lebanon và thành viên của Vệ Binh Cách mạng Iran đi cạnh lực lượng chính phủ Syria để tấn công vào đoàn biểu tình. Tuy nhiên, tin này chưa được xác nhận.