Máy bay chiến đấu Su-35 Nga lao xuống biển
(Dân trí) - Máy bay chiến đấu Su-35S của Nga gặp sự cố khi đang bay huấn luyện định kỳ, phi công nhảy dù an toàn.
Vụ việc xảy ra hôm 31/7 trong một chuyến bay huấn luyện định kỳ ở vùng Khabarovsk của Nga. Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông Nga cho biết máy bay chiến đấu Su-35S bị hỏng động cơ trong chuyến bay.
"Phi công đã nhảy ra ngoài, được đội cứu hộ tìm thấy và hồi phục kịp thời, đưa phi công trở lại sân bay. Hiện không có mối đe dọa sức khỏe nào với phi công", thông báo cho biết thêm.
Theo dữ liệu sơ bộ, sau khi phi công thoát ra ngoài, chiếc Su-35S mất kiểm soát vẫn tiếp tục bay và rơi xuống một vị trí chưa được xác định trên biển Okhotsk. Quân đội Nga đã mở một cuộc điều tra về vụ việc.
Su-35S là một trong những dòng máy bay chiến đấu hiện đại nhất được Không quân Nga sử dụng. Máy bay này là phiên bản nâng cấp của Su-27 - tiêm kích biểu tượng của Nga và trong nhiều thập niên vẫn là trụ cột của không quân tuyến đầu tại Nga, cũng như ở một số quốc gia khác.
Su-35 được phát triển dựa trên Su-27 Flanker có thiết kế từ thời chiến tranh Lạnh nhằm đối chọi với F-15 Eagle của Mỹ. Mục đích của Nga là tạo ta một phiên bản máy bay chiến đấu đa năng, 2 động cơ, hạng nặng kết hợp với tốc độ cao.
Đây là máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ 4++ do tập đoàn hàng không Sukhoi sản xuất với khả năng linh động cao. Su-35 có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 2.500 km/giờ và có thể bay liên tục 3.400 km mà không cần tiếp nhiên liệu.
Su-35 được trang bị pháo 30 mm cùng 12-14 giá treo bom và tên lửa. Phạm vi tác chiến của máy bay này lên tới 1.600 km. Nó có khả năng mang các loại vũ khí đa dạng như lửa dẫn đường bằng radar K-77M với tầm bắn gần 200 km, tên lửa dẫn đường hồng ngoại R-74 với tầm bắn 40 km. Ngoài ra, Su-35 cũng có thể mang tên lửa tên lửa tầm trung R-27 và tên lửa tầm xa R-37.
Su-35S là biến thể tiên tiến nhất trong dòng Flanker. Phiên bản này được một nhà thầu phụ của Sukhoi bắt đầu phát triển vào năm 2003. Nguyên mẫu Su-35S đầu tiên ra mắt vào năm 2007 và bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2009.
Trong chiến dịch chống khủng bố ở Syria, Su-35 đã chứng minh được năng lực vượt trội và trở thành một trong những máy bay chiến đấu "đáng sợ" nhất của quân đội Nga đối với các phần tử cực đoan.
Giới chuyên gia quân sự nhận định tính năng của Su-35 vượt trội hơn so với các máy bay thế hệ 4 của phương Tây và là đối thủ đáng gờm của máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới dòng máy bay Su-35 của Nga, sau khi nước này bị Mỹ đẩy ra khỏi chương trình F-35. Washington đưa ra quyết định này do Thổ Nhĩ Kỳ cương quyết mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, bất chấp cảnh báo của Mỹ.