Mâu thuẫn vì những quảng cáo sexy
(Dân trí) - Thuỵ Điển đã quyết định không cấm quảng cáo bằng những hình ảnh thể hiện thành kiến giới tính, vì cho rằng nếu cấm sẽ làm giảm quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, quyết định đó lại đẩy nước này vào thế đối lập với các nước làng giềng Bắc Âu khác.
Na Uy và Đan Mạch có quy định giới hạn nghiêm ngặt về việc sử dụng những hình ảnh có tính chất phân biệt giới tính vào mục đích thương mại. Tại Na Uy, việc quảng cáo như vậy đã bị cấm từ năm 2003.
“Về cơ bản, nếu có điều gì đó phản cảm hoặc khiến người xem cảm thấy khó chịu khi nhìn vào thì không nên làm,” bà Sol Olving, lãnh đạo hiệp hội quảng cáo Na Uy (Kreativt Forum), giải thích.
“Hình ảnh người khoả thân tất nhiên là tuyệt vời, nhưng chúng phải phù hợp với sản phẩm. Bạn có thể dùng hình ảnh khoả thân để quảng cáo cho sữa tắm hoặc kem dưỡng da, chứ không phải là hình ảnh một phụ nữ mặc bikini trên rèm ô tô.”
Sau khi đã được nhắc nhở, những công ty Na Uy từ chối dỡ hoặc thay đổi các quảng cáo gây phản cảm sẽ bị phạt 500.000 NOK (hơn 98.000 USD).
Tuy nhiên, tại Đan Mạch, những quy định quảng cáo tương tự đã có hiệu lực từ năm 1993. Thanh tra quảng cáo Henrik Oe của Đan Mạch cho biết gần đây, một công ty đồ lót nam đã buộc phải rút những quảng cáo phản cảm về lao động nữ, sau khi bị nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động kịch liệt lên án.
Một trong số các quảng cáo trong chiến dịch của công ty này là cảnh một nữ ý tá nằm trên giường với một chiếc quần lót đàn ông phủ lên mặt. Quảng cáo này bị quy kết là ám chỉ việc cô vừa làm tình với một bệnh nhân.
Ông Henrik Oe cho rằng không nên quảng cáo bằng hình ảnh khuyến khích cánh nam giới có ý nghĩ kỳ quặc là một bệnh nhân có thể ngủ với một ý tá. “Bản thân những nghề nghiệp này vốn đã đặt phụ nữ vào tình trạng dễ bị quấy rối tình dục,” ông nói. Do đó, không nên khai thác sâu vào điểm này.
Những quan điểm trái chiều
Cả Na Uy và Đan Mạch đều muốn nhấn mạnh rằng các quy định hạn chế đối với hoạt động quảng cáo của nước họ không ngăn cản quyền tự do ngôn luận, kìm hãm sự sáng tạo, hay có ý rằng không bao giờ được trưng bày hình ảnh khoả thân nghệ thuật.
Tại Đan Mạch, ông Oe cho biết nhiều công ty quảng cáo ngày càng sáng tạo hơn, sử dụng tính hài hước để hấp dẫn khách hàng chứ không cứ phải những hình ảnh nhạy cảm.
Ông cũng cho biết mỗi năm ông chỉ nhận được khoảng 10 lời phàn nàn về các quảng cáo có tính phân biệt giới tính, và các công ty thường cho dỡ ngay những hình ảnh vi phạm đó.
Từ Oslo, bà Sol Olving, lãnh đạo hiệp hội quảng cáo Na Uy, nói: “Chúng tôi không khắt khe đến mức cấm trưng hình ảnh khoả thân, nhưng việc này phải được làm đúng cách, thể hiện sự hấp dẫn và đam mê.”
Tuy nhiên, phía Thuỵ Điển, dù đã lập một ban điều tra đặc biệt của chính phủ để giám sát việc này, nhưng vẫn không nghe theo khuyến nghị của một giáo sư luật, rằng quyền tự do ngôn luận không áp dụng cho các thông điệp mang tính thương mại, và cần có những giới hạn.
Bà Malin Engstedt, người phát ngôn của Bộ trưởng Bộ bình đẳng Thuỵ Điển Nyamko Sabuni, cho biết chính phủ Thuỵ Điển tin rằng mọi việc sẽ tốt đẹp với sự cố gắng của bản thân các công ty quảng cáo và việc ra đời cơ quan giám sát hoạt động quảng cáo.
Đặng Lê
Theo BBC