1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mặt trận mới của Mỹ ở biển Đông

Washington nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ an ninh hàng hải khắp thế giới, đặc biệt là biển Đông.

Quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) đang trở thành mặt trận mới trong “trận chiến” của Mỹ nhằm ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở biển Đông.

“Hậu quả” chờ Bắc Kinh

Theo Reuters, Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ leo thang hành động trả đũa liên quan đến chuyện Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự trái phép tại Hoàng Sa.

Một số nhà phân tích nhận định việc tàu khu trục USS Curtis Wilbur của Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa vào cuối tháng 1-2016 khiến Trung Quốc bất ngờ. Bởi lẽ, tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế thời gian qua là quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), nơi Trung Quốc đang bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép rầm rộ.

Reuters nhận định Washington giờ đây không muốn bị xem là có lập trường mềm mỏng trước bất kỳ hành động sai trái nào của Trung Quốc ở biển Đông, đồng thời cam kết tiến hành thêm nhiều cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không tại khu vực.

Điều này tiếp tục được thể hiện rõ qua tuyên bố cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 1-3. “Trung Quốc không được quân sự hóa ở biển Đông. Những hành động cụ thể sẽ dẫn đến những hậu quả cụ thể tương ứng” - ông Carter phát biểu tại một sự kiện ở TP San Francisco.


Việc tàu USS Curtis Wilbur tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa qua khiến Trung Quốc bất ngờ. (Ảnh: Chiangrai Times)

Việc tàu USS Curtis Wilbur tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa qua khiến Trung Quốc bất ngờ. (Ảnh: Chiangrai Times)

Ông chủ Lầu Năm Góc không nói rõ về những “hậu quả” nhưng nhấn mạnh Washington quyết bảo vệ an ninh hàng hải khắp thế giới, đặc biệt là biển Đông - nơi có 30% lượng giao dịch thương mại toàn cầu qua lại mỗi năm.

Không hài lòng trước thông điệp mạnh mẽ này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2-3 lên tiếng nói Mỹ không nên kích động tình hình biển Đông. Dù vậy, những gì diễn ra thời gian qua cho thấy chính Trung Quốc mới làm leo thang căng thẳng ở biển Đông.

Truyền thông Mỹ lần lượt tố Trung Quốc đưa hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, chiến đấu cơ Shenyang J-11 và Xian JH-7 ra đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa. Sau đó, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể đang xây trạm radar phi pháp trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Xâm phạm quyền tự do đi lại

Mới nhất, giới chức Philippines hôm 2-3 cáo buộc Trung Quốc kiểm soát trái phép bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa và đang triển khai một số tàu tại ngư trường này.

Ông Eugenio Bito-onon Jr, Thị trưởng TP Kalayaan gần đó, cho biết tàu Trung Quốc hiện diện ở bãi Hải Sâm từ cách đây hơn 1 tháng, đồng thời cáo buộc hành động này của Bắc Kinh xâm phạm quyền tự do đi lại của tàu thuyền Philippines. Một ngư dân Philippines nói với tờ Philippine Star rằng họ bị tàu Trung Quốc xua đuổi khi tìm cách vào khu vực này hồi tuần vừa rồi.

Máy bay tuần tra của Không lực Philippines xác nhận ít nhất 4 tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đang neo đậu tại các khu vực đầm phá của Hải Sâm. Reuters dẫn lời người phát ngôn quân đội Philippines cho biết họ đang kiểm tra xem tàu Trung Quốc có định hiện diện lâu dài ở bãi Hải Sâm hay không. Đây cũng chính là nơi một tàu chiến Trung Quốc bị cáo buộc bắn cảnh báo ngư dân Philippines hồi năm 2011.

Trong nỗ lực tránh xảy ra những tính toán sai có thể dẫn đến xung đột trong khu vực, Singapore vừa đề xuất một khái niệm mới được gọi là Bộ quy tắc ứng xử cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES) ở biển Đông.

“Về cơ bản, đề xuất bao gồm một số quy tắc nhằm ngăn nguy cơ xảy ra những sự cố bất ngờ hoặc những tính toán sai có thể dẫn đến căng thẳng và xung đột. Chúng tôi cũng đề xuất mở rộng khái niệm với cả tàu hải quân và cảnh sát biển” - Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết hôm 1-3.

Ông Balakrishnan nói thêm Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý xem xét đề xuất này. Theo ông, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Trung Quốc và ASEAN có thể mở rộng ý tưởng trên, đồng thời xây dựng lòng tin hay không giữa lúc các cuộc tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) vẫn đang diễn ra.

Theo Hoàng Phương

Người Lao động