Mạng xã hội sẽ thống lĩnh thị trường truyền thông
Nếu các chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008 mới chỉ "nhón chân" vào Facebook hay Twitter, thì phiên bản tranh cử năm 2012 đã gần như là "đắm mình" trong các trang mạng xã hội. Với tốc độ phát triển như vậy, mạng xã hội trở thành một cỗ máy truyền thông vượt trội.
Để giành được sự ủng hộ của công chúng, các chính khách Mỹ sẵn sàng chi mạnh hơn cho việc truyền thông trực tuyến nói chung và truyền thông xã hội (social media) nói riêng trong các chiến dịch vận động tranh cử năm 2016...
Ưu thế của mạng xã hội lớn nhất hành tinh
Kể từ cuộc tổng tuyển cử Mỹ năm 2012, Facebook đã nâng gấp đôi số nhân sự phụ trách truyền thông trong các chiến dịch vận động tranh cử nhằm tăng doanh thu từ quảng cáo chính trị. Với lợi thế có gần 200 triệu người sử dụng tại thị trường Mỹ, Facebook đã triển khai thành công nhiều dịch vụ và tính năng ưu việt phục vụ các chiến dịch tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016. Đặc biệt là những tính năng như tìm kiếm và tiếp cận người ủng hộ cũng như các nhà tài trợ.
Giới chuyên gia nhận định rằng, tổng kinh phí quảng cáo trực tuyến trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016 sẽ vào khoảng 1 tỷ USD. Facebook tự tin doanh thu quảng cáo của mình sẽ tăng so với cuộc tổng tuyển cử năm 2012 bởi những cải tiến đáng kể về tính năng dịch vụ mới.
Trang Facebook của các ứng viên tổng thống Mỹ năm 2016. (Ảnh: politico.com)
“Năm 2016, Facebook sẽ trở thành một con quái vật trong lĩnh vực quảng cáo”, dẫn lời Zac Moffatt, đồng sáng lập Công ty Công nghệ Targeted Victory, là đơn vị phụ trách điện tử trong chiến dịch tranh cử năm 2012 của ứng viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney. Ông cho rằng, Facebook sẽ thống lĩnh thị trường này với số người dùng đông đảo, các tính năng quảng cáo ưu việt cũng như cách tiếp cận tích cực, cho phép các chiến dịch vận động tranh cử tận dụng dữ liệu của họ nhằm đạt hiệu quả tối đa và giảm các khoản phung phí.
Với mạng xã hội Facebook, các chiến dịch tranh cử có thể triển khai “lời kêu gọi hành động” ở cuối mỗi video clip, thường là các đường dẫn để người truy cập có thể đóng góp tiền hoặc ký vào các đơn kiến nghị-tất cả đều diễn ra trên trang Facebook hoặc được dẫn về trang web chính của chiến dịch tranh cử. Tính năng “video clip” của Facebook đã phát triển mạnh mẽ, từ 1 tỷ lượt xem kể từ tháng 9-2014 đến nay đã tăng lên khoảng 4 tỷ lượt xem mỗi ngày.
Sức lan tỏa mạnh mẽ
Đối với một cuộc tranh cử thì quan trọng nhất vẫn là cử tri. Nắm bắt được điều này, mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã đưa ra một cải tiến đáng kể là cho phép các chiến dịch vận động tranh cử tải trực tiếp lên Facebook tệp tin về cử tri của mình-một bảng danh sách những cử tri tiềm năng-và Facebook sẽ khoanh vùng những người này. Với nguồn thông tin phong phú và chi tiết về các cử tri này, chiến dịch có thể tiếp cận những người dùng Facebook khác như bạn bè, người thân của họ có điểm tương đồng về sở thích, hành vi, từ đó mở rộng đối tượng là cử tri tiềm năng và tìm ra cách tiếp cận phù hợp cho chiến dịch. Với dịch vụ mới này, mạng xã hội lớn nhất hành tinh khẳng định sự cần thiết của mình trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Không riêng gì Facebook, Snapchat - một ứng dụng di động giúp chia sẻ video và ảnh hiện đang phát triển mạnh mẽ, cũng cho phép các nhà quảng cáo khoanh vùng người dùng trong những sự kiện hoặc vùng địa lý cụ thể (ví dụ như những cuộc tranh luận trực tiếp giữa các ứng viên tranh cử chức tổng thống).
Còn với Twitter, người ta có thể trực tiếp đưa nội dung thông tin đến người dùng bằng cách sử dụng những từ khóa (hashtag) nhất định hoặc thông qua mã vùng địa lý (ZIP code). Instagram (thuộc sở hữu của Facebook), ứng dụng cho phép chia sẻ ảnh cũng có thể phát huy hiệu quả trong các chiến dịch tranh cử khi có khả năng thu hút sự theo dõi của các cử tri. “Đây là một cách hữu hiệu nhằm thu hút sự quan tâm chú ý và tham gia của cử tri”, Matt Oczkowski, người đứng đầu bộ phận điện tử của chiến dịch này chia sẻ. “Chúng tôi ghi nhận sự gia tăng lên đến 30% khi áp dụng Instagram cho chiến dịch, và quan trọng nhất là chúng hoàn toàn miễn phí”.
Tuy nhiên, với việc thu thập và ghi nhớ tất cả những dữ liệu của người dùng về mọi thứ mà họ viết, đăng hay truy cập, các trang mạng xã hội cũng làm gia tăng mối lo ngại về khả năng ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng. Marc Rotenberg, Giám đốc Trung tâm bảo mật thông tin điện tử cho rằng: “Đa số người dùng đều không biết việc Facebook thu thập thông tin cá nhân của họ và cách mà Facebook có thể căn cứ từ những gì họ viết cho bạn bè rồi từ đó suy luận ra quan điểm chính trị của họ”.
Mặc dù vậy, vẫn phải khẳng định, với sự phát triển về công nghệ và các thuật toán, mạng xã hội cung cấp một sự chính xác nhất định cho người dùng mà không một phương tiện truyền thông nào khác có thể có được. Mạng xã hội có khả năng chuyển tải những thông điệp cần thiết đến người dùng có nhu cầu một cách chính xác nhất, vào thời điểm phù hợp nhất, với chi phí thấp nhất. Đây chính là yếu tố quan trọng để các mạng xã hội khẳng định khả năng vượt trội so với các phương tiện truyền thông truyền thống khác. Bên cạnh đó, sự tiện lợi và khả năng lan tỏa thông tin mạnh với mạng lưới rộng khắp của mạng xã hội cũng là ưu thế so với các loại hình truyền thông khác.
Các hoạt động gây quỹ và xây dựng danh sách cử tri là những yếu tố quan trọng nhất trong một chiến dịch vận động tranh cử; với sự giúp sức của các mạng xã hội, những việc này trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn bao giờ hết với chi phí thấp hơn nhiều so với các loại hình truyền thông khác. Điều này khẳng định vai trò ngày càng lớn và mang tính quyết định của mạng xã hội đối với các chiến dịch vận động tranh cử nói riêng và cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ năm 2016 nói chung.
Theo Minh Nguyên
Quân đội Nhân dân