Malaysia lo ngại vì nhiều công dân gia nhập IS
(Dân trí) - Giới chức Malaysia đang lo ngại về xu hướng ngày càng có nhiều công dân nước này tham gia nhóm đánh bom cảm tử cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS sau khi 2 công dân Malaysia gần đây đã tham gia đánh bom tự sát riêng rẽ tại Iraq và Syria, tờ Straitstimes đưa tin.
Cảnh sát trưởng chống khủng bố Malaysia Ayob Khan Mydin Pitchay xác nhận với tờ Straitstimes rằng, có một sự lo ngại thực sự đang gia tăng về các công dân Malaysia tham gia đánh bom tự sát cho IS. “Phần lớn công dân Malaysia tại Syria bây giờ đều muốn cảm tử trong các sự mệnh đánh bom tự sát cho IS”, ông Ayob Khan cho biết.
Vị cảnh sát chống khủng bố Malaysia còn cho biết thêm rằng dựa trên các thông tin tình báo thì các báo cáo trên truyền thông về 2 công dân Malaysia tham gia đánh bom liều chết tại Iraq và Syria là hoàn toàn chính xác.
Theo báo giới Malaysia, tên Mohd Amirul Ahmad Rahim, 26 tuổi, đã kích hoạt chất nổ được gài bên trong người y và trong xe ô tô tại căn cứ Raqqa của IS tại Syria ngày 29/12, khiến 21 người thiệt mạng. Trong khi đó, tên Mohamad Syazwan Mohd Salim, 31 tuổi, nằm trong số 7 tên đánh bom tự sát tại Tikrit (Iraq) ngày 3/1, khiến 12 cảnh sát bị chết.
Với 2 trường hợp mới này, Malaysia ghi nhận tổng cộng 17 người đã tham gia IS mà bị chết trong vòng 18 tháng qua, trong đó 4 trường hợp tham gia đánh bom tự sát. Theo Straitstimes, Mohd Amirul và Mohamad Syazwan là 2 chiến binh được IS tuyển dụng gần đây để đào tạo trở thành chiến binh đánh bom tự sát.
Elina Noor, trợ lý Giám đốc phụ trách về nghiên cứu chính đối ngoại và an ninh thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, cho biết: “Có quan điểm cho rằng người Malaysia ngày càng có ý nguyện tham gia các sứ mệnh đánh bom tự sát”.
Ngày 11/1, tờ New Straits Times của Malaysia đưa tin trùng hợp với một 1 tờ nhật báo Úc về một đoạn video cho thấy 5 công dân Malaysia đã gia nhập nhóm người Philippines, chủ yếu đến từ nhóm khủng bố Abu Sayyaf. Nhóm này, theo video trên, thề trung thành với tổ chức IS tại một trại huấn luyện tại đảo miền nam Philippines.
Đánh giá về đoạn video này, Giáo sư kiêm chuyên gia chống khủng bố Rohan Gunaratna, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khủng bố và bạo lực chính trị có trụ sở tại Singapore, cho biết đây sẽ là thách thức an ninh chính cho cả Úc và khu vực Đông Nam Á.
Trong 2 năm qua, Malaysia đã ngăn chặn dòng người tham gia tuyển dụng để gia nhập tổ chức khủng bố IS và giới chức Malaysia đã bắt giữ khoảng 150 trường hợp. Trong khi đó, khoảng 100 đối tượng được cho là đã lọt lưới và di chuyển tới Syria. Ngoài ra, chính phủ Malaysia ước tính hiện có tới 50.000 người Malaysia ủng hộ IS.
Vũ Duy
Theo Straitstimes