1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý do tàu sân bay Mỹ không "ngại" tên lửa chống hạm Trung Quốc

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng có nhiều lý do khiến tên lửa chống hạm của Trung Quốc khó có thể tạo ra mối đe dọa đối với tàu sân bay Mỹ.

Lý do tàu sân bay Mỹ không ngại tên lửa chống hạm Trung Quốc - 1

Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Hồi đầu tháng, Thời báo Hoàn cầu, tờ báo nhà nước Trung Quốc, đăng một bài viết cảnh báo các tàu sân bay Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông “hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của quân đội Trung Quốc, lực lượng có những sự lựa chọn đa dạng về vũ khí chống hạm như tên lửa DF-21D và DF-26”.

Sau đó, Đô đốc Charlie Brown thuộc Hải quân Mỹ tuyên bố tên lửa diệt hạm của Trung Quốc không thể đe dọa các tàu sân bay của Washington tại Biển Đông. 

Bài viết của Thời báo Hoàn Cầu được đăng tải vào thời điểm Mỹ điều 2 tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz tới Biển Đông để tập trận. 2 tàu sân bay này đang tập trận lần thứ 2 trong vòng 2 tuần qua tại Biển Đông.

Giới quan sát cho rằng phía Mỹ có cơ sở khi tuyên bố tàu sân bay của nước này không ngại tên lửa chống hạm của Trung Quốc.

Đầu tiên, dù các tên lửa Trung Quốc có tầm bắn hơn 1.000 km, nhưng theo các chuyên gia, chúng không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng tới tàu sân bay Mỹ trừ khi được trang bị hệ thống dẫn đường chính xác và khả năng tấn công mục tiêu đang di chuyển. Ngoài ra, hải quân Mỹ cũng ứng dụng công nghệ mới, tối tân để trang bị cho các tàu sân bay Mỹ các hệ thống bảo vệ nhiều lớp.

Các tàu sân bay thường di chuyển theo nhóm tác chiến, đồng nghĩa với việc chúng được bảo vệ bởi tàu khu trục, tuần tuần dương, cùng hàng loạt các hệ thống giám sát và tấn công trên không. Thêm vào đó, hải quân Mỹ liên tục nâng cấp cho các tàu mặt nước những tổ hợp vũ khí laser và các hệ thống tác chiến điện tử có khả năng dò, chặn, phá hủy tên lửa bay tới, hoặc đơn giản là khiến chúng bay lệch khỏi hành trình.

Ngoài ra, hệ thống phòng vệ nhiều lớp của hải quân Mỹ không chỉ có các hệ thống cảm biến trên không tầm xa, trên không gian, trên các tàu, mà các tên lửa đánh chặn bắn từ tàu cũng liên tục được cập nhật phần mềm để gia tăng độ chính xác. Ví dụ, tên lửa SM-6 và ESSM Block II hiện đã được cập nhật về phần mềm và hệ thống cảm biến, có thể cho phép chúng phát hiện rõ và hạ gục mục tiêu đang di chuyển.

Tên lửa SM-6 được trang bị thiết bị dò theo cơ chế "2 chế độ" giúp nó có khả năng phân biệt đầu đạn thật hay đạn mồi của tên lửa, từ đó thay đổi đường bay nhằm tiêu diệt mục tiêu.

Trong khi đó, tên lửa ESSM Block II có thể bay sát biển để đánh chặn đầu đạn tiếp cận nhóm tác chiến tàu sân bay ở tầm thấp. Một số biến thể sử dụng hệ thống dò hỗn hợp chủ động và bán chủ động, khiến nó có thể tự phát hiện và tìm diệt mục tiêu.

Ngoài ra, Mỹ cũng trang bị các hệ thống cảm biến trên không mới như các máy bay không người lái hiện đại hay hệ thống tình báo, trinh sát và do thám trên máy bay chiến đấu tàng hình F-35C. Những hệ thống này tạo thành các lớp bảo vệ hiệu quả đối với các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trước các mối đe dọa của đối thủ.

Đức Hoàng

Theo Fox News