1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do Mỹ gác lại vụ khí cầu Trung Quốc đi vào không phận

Minh Phương

(Dân trí) - Hơn 3 tháng kể từ sau vụ một khinh khí cầu của Trung Quốc đi vào không phận Mỹ, Washington không có động thái đáp trả nào.

Lý do Mỹ gác lại vụ khí cầu Trung Quốc đi vào không phận - 1

Ảnh chụp khinh khí cầu Trung Quốc từ một máy bay của Mỹ (Ảnh: EPA).

Khi một khí cầu của Trung Quốc đi vào không phận Mỹ hồi tháng 1 năm nay, một số quan chức Mỹ tin rằng Washington sẽ đưa ra hàng loạt biện pháp đáp trả Bắc Kinh.

Tuy nhiên, thực tế, Mỹ trì hoãn các biện pháp trừng phạt liên quan đến các vấn đề như kiểm soát xuất khẩu hay những hành động nhạy cảm khác nhằm hạn chế gây thêm tổn hại đến mối quan hệ Mỹ - Trung, Reuters dẫn nguồn thạo tin ngày 11/5 cho hay.

Đến nay, động thái đáp trả rõ ràng nhất của Washington chỉ là hoãn chuyến thăm dự kiến của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Bắc Kinh, trong khi những biện pháp khác "sẽ được xem xét lại sau vài tuần".

Chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là đang muốn hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai cường quốc đang ở mức thấp nhất kể từ 1979.

Một số cựu nhà ngoại giao và thành viên quốc hội ở cả hai đảng đều cho rằng Mỹ phải duy trì các kênh liên lạc mở với Bắc Kinh để tránh hiểu lầm và quản lý khủng hoảng. Điều này có thể khiến Trung Quốc có cơ hội ép Mỹ phải nhượng bộ để duy trì liên lạc cấp cao.

Một quan chức Trung Quốc nói, một chuyến thăm mới của Ngoại trưởng Blinken sẽ nhiều khả năng thành hiện thực hơn nếu Mỹ chấp nhận gác lại vấn đề.

Mỹ và Trung Quốc hiện chưa bình luận về thông tin trên.

Một khinh khí cầu của Trung Quốc đã đi vào không phận của Mỹ trong nhiều ngày kể từ cuối tháng 1. Tuy nhiên, đến ngày 4/2, Mỹ mới quyết định triển khai máy bay F-22 phóng tên lửa bắn hạ khinh khí cầu ở vùng biển Đại Tây Dương.

Washington nghi ngờ đây là khinh khí cầu do thám và là một phần của đội khinh khí cầu giám sát do quân đội Trung Quốc chỉ đạo đã bay qua hơn 40 quốc gia trên khắp 5 châu lục. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định đó chỉ là khí cầu dân dụng phục vụ nghiên cứu khí tượng.

Theo Reuters