Lương thực toàn cầu trước bài toán thời tiết khắc nghiệt
(Dân trí) - Hai năm trước, giá ngũ cốc, lúa mì, gạo và các loại lương thực thiết yếu khác đã tăng mạnh trên khắp thế giới do hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Đã có 850 triệu người không đủ lương thực vào thời điểm đó. Kịch bản này đang có nguy cơ diễn lại.
Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở châu Á đang làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới về lương thực trên toàn cầu. Tháng trước, những trận lụt lớn đã tàn phá nặng nề ở các tỉnh miền nam Trung Quốc, đợt lụt này gây thiệt hại lớn nhất kể từ năm 1998. Hãng tin Xinhua cho biết những cơn mua xối xả mùa hè đã gây ra mức thiệt hại về kinh tế ước tính trị giá 12 tỉ USD. Trong khi đó, tình trạng hạn hán nghiêm trọng kéo dài khiến hơn 8 triệu người dân ở tỉnh Vân Nam thuộc Tây Nam nước này phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực.
Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang trải qua đợt hạn hán nặng nề nhất trong gần hai thập kỷ. 53 tỉnh đã được tuyên bố là vùng bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên này với trên 24.000 héc-ta cây trồng bị thiệt hại do thời tiết khô hạn.
Indonesia cũng bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Nhiệt độ nước biển ở Indonesia vẫn ở mức cao gây ra độ ẩm tăng lên cao hơn. Hiện tượng La Nina gây ra lụt lội ở đảo Java và các đảo khác như Sumatra, Kalimantan, Sulawesi và Bali.
Trong những tháng tới, mặc dù điều kiện khí hậu thế giới tiếp tục phát triển theo chiều hướng của hiện tượng La Nina, song rất khó dự đoán được thời điểm hiện tượng này xảy ra cũng như mức độ của nó. Hiện khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương đang là trọng tâm theo dõi của các nhà khoa học về hiện tượng La Nina. Thông thường, mùa gió mùa bắt đầu vào đầu tháng 6, nhưng đến đầu tháng 7, các nước như Việt Nam và Philippines mùa mưa vẫn chưa bắt đầu.
Viện nghiên cứu Khí hậu Australia nhận định ảnh hưởng trước mắt của hiện tượng thời tiết thay đổi sẽ là việc tăng giá lương thực và tăng tỉ lệ người dân thiếu đói ở những khu vực nghèo trên thế giới. Giá gạo ở Thái Lan và Campuchia đã tăng lên mức đỉnh điểm khoảng 5% chỉ trong tháng 6 vừa qua. Việc sản xuất lương thực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn lũ lụt ở Indonesia.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, nền kinh tế các nước thu nhập thấp phụ thuộc vào nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên nên bị tác động bất lợi nghiêm trọng. Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết nền kinh tế Thái Lan và Indonesia có thể bị thiệt hại tới 6,7% tổng thu nhập nội địa (GDP) vào năm 2010. Hầu hết các nước thu nhập thấp đều không đủ nguồn tài lực và hạ tầng cơ sở y tế cần thiết để đối phó với các bệnh bùng phát do biến đổi khí hậu.
Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) mới đây cảnh báo tình trạng bất ổn về an ninh lương thực đang gia tăng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi tập trung khoảng 60% trong số hơn 1 tỷ người nghèo đói trên thế giới. Năm ngoái, có tới gần 18% dân số tại các nước châu Á-Thái Bình Dương bị thiếu dinh dưỡng, tăng 2% so với năm 2006. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ này tăng kể từ khi các nước phát động cuộc Cách mạng Xanh hồi những năm 1960 của thế kỷ trước. Tỷ lệ nghèo đói tại các nước trong khu vực cũng gia tăng.