1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lực lượng an ninh Iraq - một đội quân “ma”

(Dân trí) - Bốn năm qua, Mỹ đã đổ 15 tỷ USD cho nỗ lực xây dựng lại các lực lượng an ninh Iraq, nhưng đến nay, quân số ma vẫn là một phần quan trọng trong biên chế của các lực lượng này và không ai biết được có bao nhiêu cảnh sát đã được huấn luyện còn đang làm nhiệm vụ.

Ông Joseph A. Christoff, quan chức phụ trách công tác đối ngoại của Văn phòng Kiểm toán Quốc hội Mỹ biết mặc dù quân số của các lực lượng Iraq đã gia tăng và lực lượng này đang ngày một đảm trách nhiều hơn nhiệm vụ đi đầu trong các chiến dịch an ninh, nhưng bạo lực tại Iraq trong những tháng cuối năm 2006 vẫn gia tăng đáng kể.

 

Trong báo cáo hàng quý mới nhất về Iraq, Lầu Năm Góc cho biết đã có 328.700 người Iraq được huấn luyện để phục vụ trong các lực lượng an ninh nước này, trong đó có 136.400 là binh lính, tăng gấp đôi so với con số trước đó. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cũng phải thừa nhận rằng số binh sĩ tại ngũ trên thực tế của Iraq chỉ từ khoảng một nửa đến 2/3 trong tổng số trên. Lầu Năm Góc cho biết Bộ Nội vụ và Quốc phòng Iraq cũng biết về sự tồn tại của các binh sĩ "ma" và các cảnh sát chỉ tồn tại trên giấy này, một trò lừa bịp để các đơn vị có thể nhận được thêm các nguồn lực được cấp dựa trên quân số và để các quan chức tham nhũng có thể kiếm tiền từ những khoản trả cho phí tuyển mộ vốn không tồn tại này.

 

Các tướng lĩnh Mỹ tại chiến trường cũng xác nhận việc các binh sĩ "ma" và đào ngũ đã tác động như thế nào tới sức mạnh của các đơn vị quân đội Iraq.

           

Phát biểu với các phóng viên hồi tháng 1/2007, Đại tá William B. Crowe, chỉ huy một trung đoàn của Mỹ tại tỉnh Anbar, phía Tây Iraq cho biết các tiểu đoàn của quân đội Iraq tại đây chỉ có khoảng 50% quân số.

           

Ông Christoff nói: "Về lực lượng cảnh sát Iraq, trực thuộc Bộ Nội vụ, người Mỹ không biết có bao nhiêu phần trăm trong tổng số 180.000 người đang được trả lương là do liên quân huấn luyện và trang bị. Cảnh sát Iraq đã bị tổn thất rất nhiều người đã qua huấn luyện do họ bị giết, bị thương hoặc thậm chí rời bỏ công việc do lo sợ cho tính mạng của người thân trong gia đình, các quan chức địa phương sau đó đã thay thế họ bằng những người chưa qua các lớp đào tạo do Mỹ giám sát.

           

Theo báo cáo ngày 14/3/2007 của Lầu Năm Góc thì cho dù như vậy, bộ chỉ huy Baghdad của Mỹ vẫn ước tính rằng trung bình mỗi ngày chỉ có chưa tới 70% quân số của Bộ Nội vụ Iraq có mặt để làm nhiệm vụ.

           

Dẫn nguồn tin tình báo Mỹ, ông Christoff cho biết còn có một thực tế nữa đó là việc các chiến binh Hồi giáo dòng Shiite đã thâm nhập sâu vào lực lượng cảnh sát Iraq và điều này đã tác động không nhỏ tới hiệu quả hoạt động của lực lượng này. Ông Christoff nói: "Ảnh hưởng của sự bè phái đã gây chia rẽ và tác động tới lòng trung thành của các lực lượng an ninh Iraq".

           

Thiếu tướng Ba Lan Pawel Lamla, một chỉ huy trong lực lượng đa quốc gia ở Đông-Nam Iraq cho biết cảnh sát Iraq đã không hành động để chống lại các tay súng địa phương do một số phần tử trong lực lượng này có quan hệ với các du kích trên.

           

Giới chuyên gia cho rằng với thực trạng trên, trong trường hợp Mỹ rút quân khỏi Iraq hoặc các lực lượng an ninh Iraq được giao toàn quyền trong việc đối phó với các lực lượng nổi dậy và khủng bố, họ rất khó thể đối phó chứ đừng nói đến việc bảo đảm được an ninh và bình định được các làn sóng bạo lực hiện nay. Khi đó Iraq sẽ nhanh chóng rơi vào một cuộc nội chiến toàn diện và có nguy có đẩy Trung Đông vào một cuộc chiến tranh lớn giữa người Hồi giáo Sunni và Shiite.

 

Kiến Văn

Theo AFP