Luật Tự do Mỹ ngăn chặn điều gì?
“Đây là thời điểm lịch sử… Cải cách này là lần tu chính quan trọng đầu tiên từ nhiều thập niên qua liên quan đến pháp luật về công tác giám sát”. Thượng nghị sĩ Patrick Leahy phát biểu như trên sau phiên họp Thượng viện hôm 2-6 (giờ địa phương).
Trong phiên họp, với 67 phiếu thuận và 32 phiếu chống, Thượng viện đã thông qua dự luật mang tên Luật Tự do Mỹ (Hạ viện đã thông qua ngày 13-5). Ngay sau đó, Tổng thống Obama đã ký phê chuẩn đạo luật.
Trước đây, Cục An ninh quốc gia Mỹ (NSA) có thẩm quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và Internet phải cung cấp siêu dữ liệu của các khách hàng Mỹ.
Siêu dữ liệu là thông tin mô tả nội dung của cơ sở dữ liệu (còn gọi là dữ liệu về dữ liệu). Về điện thoại, NSA thu thập thông tin về giờ gọi, thời lượng gọi, số cuộc gọi chứ không biết nội dung cuộc gọi.
Căn cứ pháp lý để NSA thu thập siêu dữ liệu là Điều 215 của đạo luật chống khủng bố được phê chuẩn ngày 26-10-2001, tức sau vụ nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.
Luật mang tên đầy đủ là “Luật vì đoàn kết và củng cố nước Mỹ bằng cách cung cấp các công cụ thích đáng để phát hiện và chống khủng bố” (gọi tắt là luật PATRIOT 2001). Luật được sửa đổi vào năm 2006 và năm 2011 nhằm tăng quyền hạn của NSA, FBI và CIA trong công tác chống khủng bố.
Nay căn cứ Luật Tự do Mỹ vừa được thông qua, NSA không được phép thu thập siêu dữ liệu theo kiểu đại trà hay thích gì lấy nấy nữa.
Các công ty viễn thông sẽ lưu trữ siêu dữ liệu. NSA chỉ được trích xuất siêu dữ liệu nếu có giấy phép của Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài (tòa án mật chống khủng bố).
Tòa án chỉ cấp giấy phép nếu NSA khoanh vùng được một cá nhân hay một nhóm tình nghi liên hệ khủng bố (trừ trường hợp khẩn cấp).
Luật mới sẽ trao cho NSA thẩm quyền nghe lén các nghi can “sói đơn độc” (tiến hành khủng bố một mình chứ không thuộc tổ chức nào).
Đối với Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài, luật mới có sửa đổi nhỏ, cho phép tòa chỉ định năm người ngoài tòa giúp tòa giải thích luật khi xét xử. Giám đốc cơ quan tình báo sẽ quyết định phán quyết nào của tòa cần công khai.
Theo báo Le Monde (Pháp), Luật Tự do Mỹ chỉ cải cách cách thức thu thập siêu dữ liệu ở Mỹ chứ cách thức NSA thu thập siêu dữ liệu ở nước ngoài vẫn được giữ nguyên.
Trong Thượng viện, người cản trở Luật Tự do Mỹ mạnh mẽ nhất là nghị sĩ Rand Paul, ứng cử viên đảng Cộng hòa trong bầu cử tổng thống 2016. Ngày 20-5, ông này đã từng phát biểu suốt 10 tiếng để phản đối dự luật này.
Ủng hộ luật mới nhiệt tình nhất là các nhà cung cấp dịch vụ Internet và điện thoại như Yahoo, Microsoft.
Tổ chức Bảo vệ quyền công dân Liên minh Tự do dân sự Mỹ (ACLU) nhận xét đây là đạo luật cải cách quan trọng nhất về công tác giám sát người dân kể từ năm 1978.
Luật Tự do Mỹ mới được thông qua là chiến thắng của Tổng thống Obama. Năm 2013, một ủy ban do ông thành lập đã kết luận công tác thu thập siêu dữ liệu điện thoại của NSA không phải là yếu tố quyết định để ngăn chặn khủng bố.
Nghi can khủng bố Usaama Rahim 26 tuổi đã bị bắn chết trước cửa hàng bán thuốc tại Boston (Mỹ). FBI cho biết từ lâu đã theo dõi Usaama Rahim vì đây là thành phần nguy hiểm đã phát tán nhiều thông tin khủng bố nhưng chưa phát lệnh bắt giữ. Hôm 2-6 (giờ địa phương), trong lúc Usaama Rahim đi trên đường, cảnh sát định đến hỏi han nhưng nghi can rút dao đe dọa. Hai cảnh sát bắn hai phát đạn. Anh trai của nghi can là giáo sĩ Hồi giáo lại cho biết em bị bắn ba phát đạn vào lưng trong khi chờ xe buýt đi làm. 5 lần báo động giả có bom trên các máy bay dân dụng đi và đến Mỹ trong ngày 2-6 (giờ địa phương). Các máy bay của các hãng US Airways, Delta Air Lines, United Airlines, Volarisont (Mexico) và Korean Air. |