1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lựa chọn sống còn của Triều Tiên giữa vòng vây trừng phạt

(Dân trí) - Nền kinh tế Triều Tiên đang ở mức yếu kém nhất trong vòng 20 năm qua và cải cách kinh tế được cho là giải pháp duy nhất để Bình Nhưỡng có thể tồn tại.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một nhà máy tại Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một nhà máy tại Triều Tiên (Ảnh: KCNA)

Theo ông William Brown, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Ngoại giao George Town ở Washington, Mỹ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nên tiến hành cải cách để vực dậy nền kinh tế kiệt quệ của Triều Tiên. Ông Brown cho rằng nếu không có các biện pháp cải cách phù hợp, nền kinh tế Triều Tiên sẽ không thể hoạt động hiệu quả ngay cả khi nước này được nới lỏng các lệnh trừng phạt do từ bỏ vũ khí hạt nhân.

“Để ông Kim Jong-un đạt được mục tiêu phát triển thịnh vượng (Triều Tiên), cần có nhiều việc phải làm hơn là chỉ chấm dứt các lệnh trừng phạt”, ông Brown nhận định.

“Cải cách kinh tế rõ ràng là câu trả lời duy nhất. Tôi cho rằng cải cách kinh tế (Triều Tiên) theo kiểu Trung Quốc cần được khởi động và Tổng thống Donald Trump có thể giúp đỡ cho tiến trình rất tích cực đó”, ông Brown nói thêm.

Lựa chọn sống còn của Triều Tiên giữa vòng vây trừng phạt - 2

Ông William Brown

Nhận định của Giáo sư Brown được đưa ra sau khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 20/7 công bố báo cáo cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên trong năm 2017 giảm 3,5% so với năm trước đó. Đây là bước thụt lùi đáng kể so với mức tăng trưởng 3,1% của nền kinh tế Triều Tiên trong năm 2016. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1997 khi cuộc khủng hoảng tiền tệ gây chấn động châu Á, khiến kinh tế Triều Tiên sụt giảm 6,5% do xảy ra nạn đói nghiêm trọng.

Triều Tiên thường đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế là nguyên nhân dẫn tới sự nghèo đói của quốc gia này. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng tình trạng nghèo đói tại Triều Tiên đã xảy ra từ lâu trước khi các lệnh trừng phạt được áp dụng.

“Ngay cả khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, quy mô kinh tế đối ngoại của Triều Tiên vẫn rất nhỏ, ngoài ra việc Triều Tiên không sẵn sàng trả các khoản nợ cũng khiến cho việc đầu tư tại nước này tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Brown nhận định.

Lý do khiến Giáo sư Brown cho rằng cải cách kinh tế là lựa chọn sống còn của Triều Tiên xuất phát từ niềm tin rằng Bình Nhưỡng sở hữu nhiều tiềm năng phát triển.

“Triều Tiên có nguồn vốn vật chất (máy móc, thiết bị, nhà xưởng,…) khá tốt, các điều kiện về vốn con người rất tốt và có vị trí địa lý tuyệt vời với nhiều tài nguyên thiên nhiên. Họ lẽ ra phải là một nước giàu mạnh”, ông Brown nói.

Theo Giáo sư Brown, cải cách kinh tế, trong đó khuyến khích lĩnh vực tư nhân phát triển sẽ giúp Triều Tiên tận dụng tốt hơn các nguồn lực và nâng cao sản lượng hàng hóa cũng như mức sống của người dân. Tuy nhiên, ông Brown cũng cho rằng do Triều Tiên từng gặp các vấn đề cố hữu về tiền và nợ nên các nước cần giúp đỡ Bình Nhưỡng thiết lập một hệ thống tiền tệ mới để thích ứng với nền kinh tế thị trường sôi động, cũng như hệ thống pháp lý ổn định để bảo vệ các dự án đầu tư cũng như tài sản cá nhân của các nhà đầu tư.

“Mỹ và Hàn Quốc có thể giúp Triều Tiên tạo ra một hệ thống tiền tệ ổn định và mở cửa các thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên nếu ông Kim Jong-un đồng ý phi hạt nhân hóa và cải cách. Khi đó, Mỹ có thể giúp Triều Tiên gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để nước này có thể giao dịch thương mại bình thường với các nước khác. Trong khi đó Hàn Quốc có thể giúp Triều Tiên xây dựng cơ chế phù hợp”, ông Brown cho biết thêm.

Theo Giáo sư Brown, cựu nhân viên tình báo Mỹ, trong các cuộc đàm phán đang và sẽ diễn ra với Triều Tiên, Washington nên tập trung vào việc đạt được các thỏa thuận với Bình Nhưỡng để ngăn nước này sản xuất nhiên liệu phân hạch, từ đó có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.

“Tôi hy vọng sẽ nhanh chóng có một thỏa thuận để ít nhất ngăn Triều Tiên sản xuất hoặc chia tách nhiên liệu phân hạch, uranium và plutonium làm giàu ở cấp độ cao tại các cơ sở bí mật của nước này”, ông Brown nói, đồng thời cho rằng hoạt động sản xuất nhiên liệu phân hạch cần phải dừng lại ngay lập tức.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động tới Triều Tiên

Hải quan Trung Quốc kiểm tra các xe tải chở hàng qua khu vực biên giới với Triều Tiên (Ảnh: AP)
Hải quan Trung Quốc kiểm tra các xe tải chở hàng qua khu vực biên giới với Triều Tiên (Ảnh: AP)

Giáo sư Brown bày tỏ quan ngại rằng sự đối đầu về thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm suy yếu nỗ lực chung của hai nước trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

“Một điều rất quan trọng đó là Mỹ và Trung Quốc vẫn liên quan đến nhau trong vấn đề Triều Tiên, do vậy cái gọi là chiến tranh thương mại rất đáng lo ngại”, ông Brown nói.

Ông Brown cảnh báo sẽ là sai lầm nếu Trung Quốc sử dụng các lệnh trừng phạt Triều Tiên như một quân bài mặc cả trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

“Việc (Trung Quốc) dỡ bỏ quá sớm các lệnh trừng phạt (Triều Tiên) sẽ dẫn tới việc Mỹ gia tăng sức ép tối đa và sẽ là điều khủng khiếp với Trung Quốc”, Giáo sư Brown nhận định.

Mặc dù Triều Tiên không công bố các số liệu chính thức về kinh tế, song Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) ước tính thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Triều Tiên vào khoảng 1,46 triệu won (tương đương 1.284 USD), bằng khoảng 4,4% so với mức thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc.

BOK cũng dẫn số liệu từ Cơ quan Xúc tiến Thương mại đầu tư Hàn Quốc cho biết tổng sản lượng xuất khẩu của Triều Tiên giảm khoảng 37,2% trong năm 2017, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1998.

Sản lượng công nghiệp, chiếm khoảng 1/3 sản lượng kinh tế của Triều Tiên, giảm 8,5%. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1997 do hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Triều Tiên đình trệ sau khi nguồn xăng dầu nhập khẩu vào nước này bị siết chặt. Sản lượng các ngành nông nghiệp và xây dựng cũng giảm lần lượt là 1,3% và 4,4%.

Reuters tuần trước trích số liệu ước tính của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đưa tin, nền kinh tế Triều Tiên năm 2017 có mức sụt giảm mạnh nhất trong 2 thập niên qua. Cụ thể, GDP của Triều Tiên giảm 3,5 %, mức cao nhất trong 20 năm qua.

“Các lệnh trừng phạt đã mạnh mẽ hơn so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu đã sụt giảm nghiêm trọng khi lệnh cấm đã áp dụng lên các mặt hàng than đá, sắt thép, thủy hải sản và dệt may. Rất khó để đánh giá một con số chính xác, nhưng lệnh trừng phạt đã tác động mạnh gây sụt giảm ngành công nghiệp sản xuất của Triều Tiên”, ông Shin Seung-cheol, một quan chức cấp cao của BOK, nhận định.

Dựa trên tình hình tụt dốc kinh tế trong năm 2017, các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng nên chuyển hướng sang các mục tiêu phát triển kinh tế, tương đồng với định hướng mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã từng tuyên bố hồi tháng 4.

Nền công nghiệp tập trung chủ yếu vào khai thác than đá và sản xuất của Triều Tiên đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên tiếp tung các đòn trừng phạt nhằm đáp trả những vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trung Quốc, quốc gia láng giềng và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, đã triển khai các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt trong nửa cuối năm 2017, khiến Triều Tiên rơi vào tình trạng khó khăn.

Đức Hoàng

Thành Đạt

Theo Korea Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm