Lũ lụt bất thường, Trung Quốc lo cho số phận "Con đường Tơ lụa" mới
(Dân trí) - Trung Quốc - quốc gia có lượng khí phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới - đang từng ngày phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu.
Và nạn nhân mới nhất có thể là "Con đường Tơ lụa mới' mà Bắc Kinh đang ấp ủ nhiều tham vọng.
Những cơn mưa "hủy diệt" vào mùa hè ở miền Tây Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong 50 năm qua, do biến đổi khí hậu. Hiện tượng bất thường này khiến Bắc Kinh bắt đầu lo ngại cho số phận các dự án thuộc sáng kiến "Vành đai, con đường" (còn được gọi là Con đường Tơ lụa mới) đi qua khu vực Tân Cương và khắp các quốc gia Trung Á.
Trang tin SCMP dẫn nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí Scientia Sinica cảnh báo, nguy cơ lũ lụt - ngay tại một trong những vùng được tin là khô hạn nhất thế giới - đồng nghĩa với việc chính quyền Trung Quốc buộc phải tính toán lại các tiêu chuẩn chất lượng và thiết kế cơ sở hạ tầng cho "Con đường Tơ lụa" mới.
Nhóm nghiên cứu cũng kêu gọi chính phủ Trung Quốc xây thêm các trạm theo dõi để đưa ra những dự báo thời tiết chính xác hơn. Zhang Xiaojian, nhà vật lý khí quyển tại Đại học Nam Kinh đứng đầu nhóm nghiên cứu, thúc giục Bắc Kinh sớm thực hiện những đề xuất này.
Sáng kiến "Vành đai, con đường" là kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc với mục tiêu tạo ra "Con đường Tơ lụa" mới nối các nước ở Á, Âu, Phi. Và hiện Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư ở khu vực phía tây xa xôi Tân Cương và ở khu vực Trung Á. Tuy nhiên, những thay đổi về điều kiện khí hậu ở Tân Cương khiến họ lo ngại.
Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, vốn là thành phố cách xa biển nhất thế giới. Vì vậy, nguồn cung cấp nước ở đây rất thiếu, với bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 1/8 so với mức trung bình ở khắp Trung Quốc. Nhưng khu vực này, chủ yếu là các sa mạc - bao gồm cả sa mạc lớn thứ hai châu Á Gobi - đang được "xanh hóa" và lượng nước nhiều hơn. Hình ảnh vệ tinh cho thấy, các sa mạc đang dần thu hẹp trong khi các ốc đảo được mở rộng do lượng mưa mùa hè đã tăng gần gấp đôi so với những năm 1950. Đó là chưa kể khi nhiệt độ toàn cầu tăng, Cao nguyên Mông Cổ nóng lên, không khí nóng có thể hình thành những cơn bão ở Tây Thái Bình Dương, gây mưa lớn trên diện rộng và lũ lụt.
Trên thực tế, theo các nhà nghiên cứu, Tân Cương như đang trở về thời kỳ của khoảng 2.000 năm - thời khí hậu ẩm ướt. Đây cũng là thời kỳ mà "Con đường Tơ lụa" cổ đại ra đời. Theo nghiên cứu, hiện tượng này được đánh giá là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế khu vực, nhưng vấn đề là lượng mưa lớn vào mùa hè đã gây lũ lụt kinh hoàng ở Tân Cương hầu như mỗi năm trong những thập niên gần đây. Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn, làm bùng nổ những lo ngại cho sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc.
Và điều gây chú ý hơn nữa là trong báo cáo công bố năm 2020, ông Zhai Jianqing - người đứng đầu Trung tâm Khí hậu Quốc gia ở Bắc Kinh thừa nhận một sự thật đau lòng: 80% số ca tử vong trên toàn cầu do các thảm họa khí hậu từ năm 1980-2019 (hầu hết là do lũ lụt), xảy ra tại các quốc gia dọc theo "Con đường Tơ lụa" mới.