1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lời thừa nhận muộn màng của Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính

Ngày 1/8, trước khi tiến hành các cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên với Mỹ kể từ khi cuộc đảo chính bất thành khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng, Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên thừa nhận rằng cuộc thanh trừng đang diễn ra có “những sai lầm”.

Tuần hành tại Istanbul ngày 24/7/2016. (Ảnh: AFP)
Tuần hành tại Istanbul ngày 24/7/2016. (Ảnh: AFP)

Lời thừa nhận muộn màng

Hai quan chức cấp cao của Ankara đã thừa nhận rằng cuộc thanh trừng, vốn liên tục được tiến hành từ sau cuộc đảo chính ngày 15/7 và bị bên ngoài chỉ trích mạnh mẽ, đã có thể có “những sai lầm”.

“Nếu có những sai lầm, chúng tôi sẽ sửa chữa nó” – Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho biết trong bối cảnh tất cả những người ủng hộ giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gülen, bị Ankara kết tội lên kế hoạch và chỉ đạo cuộc đảo chính bất thành vừa qua, đều bị xem là “những kẻ khủng bố” và bị truy quét trong nhiều lĩnh vực quân đội, tư pháp, giáo dục và truyền thông.

Phát biểu trước giới báo chí, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố khẳng định “sẽ không làm bất kỳ điều gì xấu” cho “các công dân không có liên kết với họ (những người ủng hộ Gulen)”. Nhưng những người khác “sẽ phải trả giá” – ông nói thêm.

Kể từ sau cuộc đảo chính bất thành đêm 15/7, khoảng 10.000 người đang bị truy tố và bị giam giữ, trong đó có các nhà báo. Hơn 50.000 người Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sa thải.

Ngoài ra, cũng trong ngày 1/8, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim thừa nhận khả năng trong số các nạn nhân của cuộc thanh trừng, một số người đã bị lạm dụng. Hãng thông tấn chính thức Anadolu dẫn lời ông Yildirim cho biết: "Một công việc tỉ mỉ đang diễn ra liên quan tới những người đã bị sa thải". "Chắc chắn trong số đó có người đã từng là nạn nhân của thủ tục tố tụng không công bằng" –Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận.

Ảnh hưởng tiêu cực chưa được tiên liệu

Cuộc thanh trừng mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành kể từ sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 đã và đang vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ phía Mỹ, các quốc gia châu Âu cũng như từ phía các tổ chức quốc tế, tổ chức bảo vệ quyền con người và quyền tự do ngôn luận.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng bày tỏ quan ngại sâu sắc về làn sóng bắt giữ đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho rằng cần phải nhanh chóng đưa ra bằng chứng thuyết phục nếu tình trạng bắt giữ hợp pháp và để các đối tượng có thể được quyết định bởi tòa án.

Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Irina Bokova cũng ra tuyên bố bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tự do báo chí và tình hình của các nhà báo, biên tập viên và nhân viên truyền thông tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo cơ quan của Liên hợp quốc, "trong khi tình trạng khẩn cấp được ban bố ở Thổ Nhĩ Kỳ thì vai trò của tự do báo chí là điều cần thiết để bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về tình hình quốc gia trong một thời kỳ quan trọng”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng thông cảm với việc Thổ Nhĩ Kỳ cần phải tìm ra thủ phạm đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7; song Washington cho rằng ngày càng có nhiều vụ bắt giữ các phóng viên là một phần của chiều hướng đáng lo ngại có thể ngăn cản quá trình thảo luận công khai.

Liên minh châu Âu (EU) cũng cho rằng các biện pháp của Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp mạnh mẽ vào hệ thống giáo dục, tư pháp và truyền thông sau cuộc đảo chính bất thành là "không thể chấp nhận được".

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier lên án cuộc thanh trừng đã vượt quá xa mọi biện pháp, đồng thời cho biết “chúng ta không thể im lặng".

Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã kịch liệt lên án các nước phương Tây vì không thể hiện tình đoàn kết với Ankara sau âm mưu đảo chính bất thành vừa qua. Phát biểu trước hàng trăm người ủng hộ tại văn phòng Tổng thống, ngày 29/7, ông Erdogan nhấn mạnh, những người chỉ lo lắng về số phận của những đối tượng ủng hộ đảo chính thay vì nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể là bạn của nước này.

Và cho tới ngày 1/8, lần đầu tiên kể từ khi tiến hành cuộc thanh trừng, Thổ Nhĩ Kỳ đã có các cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên với Mỹ khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã có cuộc gặp Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford tại Ankara.

Mối quan hệ giữa hai nước đang bước vào giai đoạn khủng hoảng sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7. Không chỉ mâu thuẫn với Mỹ trong yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Giáo sĩ F.Gulen sống lưu vong tại Mỹ về nước, Thổ Nhĩ Kỹ còn chỉ đích danh tướng Mỹ tại Trung Đông đứng đằng sau cuộc đảo chính tại nước này.

Trong cuộc gặp, Tướng Dunford đã lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính quân sự vào đêm 15/7 vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ và một lần nữa xác nhận tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác lâu dài giữa hai nước đối với an ninh khu vực.

Về phần mình, Thủ tướng Binali Yildirim tuyên bố chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cam kết tôn trọng pháp quyền khi xử lý những kẻ tạo phản, đồng thời kêu gọi Washington dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, cũng trong ngày 1/8, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu một quan chức ngoại giao thuộc Đại sứ quán Đức ở nước này để phản đối việc chính quyền Berlin ngăn chặn Tổng thống Tayyip Erdogan phát biểu qua truyền hình với những người Thổ Nhĩ Kỳ tuần hành ủng hộ ông ở thành phố Cologne của Đức.

Trước đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik cũng đã chỉ trích quyết định của Tòa Hiến pháp Đức ngăn chặn Tổng thống Erdogan phát biểu qua truyền hình với những người tuần hành ở Cologne là "đi ngược lại những giá trị dân chủ và tự do ngôn luận"./.

Theo Khánh Linh (Tổng hợp từ báo chí nước ngoài)

Đảng Cộng sản Việt Nam