Lời chào tạm biệt Việt Nam của các "đại sứ văn hóa Mỹ"
(Dân trí) - Sau 10 tháng giảng dạy tiếng Anh và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa tại Việt Nam, 9 trợ giảng tiếng Anh của Mỹ đã chào tạm biệt Việt Nam, kết thúc tốt đẹp thời gian công tác tại dải đất hình chữ S.
Các trợ giảng tiếng Anh trong cuộc giao lưu với các bạn trẻ Việt Nam tại Hà Nội
Chương trình TGTA đưa những người mang quốc tịch Mỹ, đã tốt nghiệp đại học, đến các đường phổ thông trung học, đại học và cao đẳng tại Việt Nam để hỗ trợ việc dạy và học các kỹ năng tiếng Anh và đóng vai trò như một đại sứ văn hóa trong thời gian 1 năm học (9 tháng).
Ra đời năm 2008, Chương trình TGTA hướng tới mục tiêu thúc đẩy việc học tiếng Anh tại Việt Nam và tạo ra các cơ hội giao lưu văn hóa giữa viên Mỹ với sinh viên Việt Nam và trường tiếp nhận, qua đó thúc đẩy hiểu biết và hợp tác song phương.
Hàng năm, có khoảng 15 trợ giảng tiếng Anh của Mỹ được tuyển chọn sang Việt Nam công tác. Cho tới năm học 2014-2015, đã có 85 TGTA từ Mỹ tới Việt Nam, làm việc tại hơn 35 tỉnh thành trên khắp cả nước, từ Cao Bằng, Lạng Sơn, tới Cà Mau, Hậu Giang, Đồng Tháp...
Trong thời gian làm việc tại trường tiếp nhận, các TGTA không chỉ hỗ trợ việc dạy và học tiếng Anh mà còn tham gia các hoạt động bên lề nhằm tăng cường sự hiểu biết văn hóa giữa Mỹ và Việt Nam như: tham gia các câu lạc bộ kịch, điện ảnh, đọc sách; nói chuyện về văn hóa Mỹ, hướng dẫn sinh viên trong các dự án phục vụ cộng đồng.
Kristen Jocabsen, từ bang Wisconsin, tới công tác tại trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, trong khi Anna Le công tác tại thành phố Lạng Sơn. Leann Miles, sinh tại Việt Nam nhưng lớn lên ở bang Arizona, đã có thời gian 10 tháng sinh sống tại thành phố Lào Cai.
Vincent Quang Pham, tốt nghiệp Đại học Washington năm 2014, đến công tác tại thành phố Vinh. Người đồng hương của anh là Hilary Ross, từ Baltimore, dạy tiếng Anh tại trường Trung học Lê Quý Đôn, Đà Nẵng.
Trong cuộc giao lưu với các học sinh, sinh viên tại Hà Nội vào ngày 28/5, các trợ giảng tiếng Anh đã trải lòng về những kinh nghiệm dạy và học tiếng Anh, những lời khuyên chân thành cho các bạn trẻ muốn thành thạo ngoại ngữ này. Họ cũng kể về những trải nghiệm, kỷ niệm trong suốt quá trình làm việc tại Việt Nam và qua những chuyến đi trên khắp của vùng miền của dải đất hình chữ S.
Các trợ giảng còn chia sẻ nhiều hình ảnh về các kỷ niệm đẹp của họ với thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Họ cũng tham gia một trò chơi đố vui với các sinh viên về các danh lam thắng cảnh, đặc sản của các vùng miền trên khắp Việt Nam.
"Có một Việt Nam khác đang tồn tại"
Jonathan cho hay khi tới Việt Nam giảng dạy, anh nhận thấy rằng thái độ của các bậc phụ huynh về việc học tập của con cái họ rất nghiêm túc. Điểm mạnh của các học sinh, sinh viên Việt Nam là cần cù, chăm chỉ và luôn có ý thức về việc học tập. Nhưng Jonathan cũng nhận thấy có sự khác biệt về văn hóa giáo dục tại Việt Nam so với văn hóa giáo dục Mỹ và từ chính bản thân trường hợp của anh. Theo Jonathan, các sinh viên Mỹ độc lập hơn và tự chịu trách nhiệm một phần về việc học tập của chính mình. Khi tới Việt Nam, Jonathan luôn cố gắng khuyến khích các sinh viên tư duy độc lập, tăng cường giao tiếp với bạn bè, tích cực học hỏi từ mọi người xung quanh, chứ không riêng gì từ một trợ giảng như anh.
Một lời khuyên mà Jonathan dành cho các học sinh, sinh viên Việt Nam khi học tiếng Anh là đừng ngại mắc lỗi. Theo anh, các sinh viên Việt Nam cần mạnh dạn, thoải mái khi giao tiếp, tự đặt ra những thách thức cho nhau và không nên ngại mắc lỗi, vì mọi người đều có thể rút ra các kinh nghiệm, bài học từ việc mắc lỗi.
Jonathan cho biết, trong thời gian làm việc tại Việt Nam, anh đã tận dụng mọi thời gian rảnh để tới thăm nhiều nơi nhất có thể, từ Cần Thơ tới Cao Bằng. Thông qua các chuyến đi, anh đã nhận thấy một điểm nổi bật là sự đa dạng tại Việt Nam: sự khác biệt giữa người dân các vùng miền, sự khác nhau nông thôn và thành thị giữa miền biển và miền núi.
"Có nhiều thứ để xem, nhiều thứ để học. Tôi thực sự thấy thích thú khi nhìn thấy sự đa dạng đó", Jonathan nói.
Jonathan cũng thành thật thừa nhận rằng anh không biết gì nhiều về Việt Nam, về văn hóa, con người nơi đây trước khi lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam theo chương trình trợ giảng. Jonathan ban đầu chỉ kỳ vọng về việc tìm hiểu về lịch sử hai nước vì anh cho rằng đó là điều không thể bỏ qua và có nhiều thứ để khám phá. Nhưng anh cũng muốn trở thành một phần của quá trình nhằm đưa hai nước, hai nền văn hóa, hai cộng đồng xích lại gần nhau hơn.
"Tôi chỉ kỳ vọng thế thôi. Tôi không biết sẽ đi đâu, các trải nghiệm sẽ ra sao", Jonathan tâm sự.
Nhưng sau 10 tháng làm việc tại Việt Nam, Jonathan thấy anh đã làm được nhiều điều vượt xa mong đợi. Anh cho hay giờ đây anh đã hiểu nhiều điều về Việt Nam, về nước Mỹ. "Tôi đã trưởng thành hơn nhờ những trải nghiệm ở nơi đây. Các trải nghiệm này đã trở thành một phần của cuộc đời tôi, làm thay đổi cuộc đời tôi và sẽ luôn gắn liền với phần còn lại của cuộc đời tôi...".
Jonathan tâm sự rằng một điều mà anh muốn nói với người thân và bạn bè khi trở lại Mỹ là có một Việt Nam khác đang tồn tại. Jonathan nói, người Mỹ thường chỉ biết tới Việt Nam những bộ phim hay về cuộc sống tại Việt Nam vào những năm 1950 và 60.
"Thực tế đó không phải là Việt Nam ngày nay. Đó cũng không phải là mối quan hệ giữa Việt-Mỹ ngày nay. Chúng tôi muốn nói rằng một Việt Nam khác đang tồn tại, một nước Mỹ khác tồn tại, một mối quan hệ Việt-Mỹ khác đang tồn tại".
Jonathan cho hay anh luôn mong muốn góp phần phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước Việt-Mỹ và muốn nhiều người Mỹ nghĩ tới Việt Nam ngày nay theo một cách khác, không giống với cách mà bố mẹ họ nghĩ trước đây.
An Bình