1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lô vũ khí ông Zelensky mang về cho Ukraine sau chuyến công du châu Âu

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi được sự ủng hộ đáng kể từ phương Tây trong chuyến công du hàng loạt quốc gia châu Âu vài ngày qua.

Lô vũ khí ông Zelensky mang về cho Ukraine sau chuyến công du châu Âu - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm Pháp hôm 14/5(Ảnh: Getty).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối tuần qua công du đến một loạt quốc gia châu Âu gồm Italy, Vatican, Đức, Pháp và Anh nhằm tìm cách bổ sung nguồn cung vũ khí đã cạn kiệt của Ukraine trước thềm cuộc tấn công mùa xuân được dự đoán từ lâu.

Chuyến công du kéo dài 3 ngày nhằm củng cố sự hỗ trợ của châu Âu về chính trị và quân sự trong thời gian dài hơn để đảm bảo Ukraine có thể giữ vững chủ quyền nếu phản công thành công, từ đó, thúc đẩy một nền hòa bình thuận lợi. Trong chuyến công du này, ông Zelensky đã nhận được cam kết viện trợ kho tên lửa, xe tăng và máy bay không người lái (UAV).

Chính sách ngoại giao quốc tế năng nổ của ông Zelensky trong 15 tháng xung đột đã giúp thuyết phục các đồng minh phương Tây của Ukraine gửi vũ khí mạnh hơn bao giờ hết, từ xe tăng Leopard của Đức đến hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ và tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow của Anh.

Việc trực tiếp nêu tình hình với các nhà lãnh đạo châu Âu cho thấy ông Zelensky ngày càng tự tin hơn với các chuyến công du nước ngoài. Patrick Bury, giảng viên cao cấp về an ninh tại Đại học Bath, cho rằng đó cũng là một nỗ lực để giúp ông ấy có sự chuẩn bị tốt khi Ukraine chuẩn bị phản công lại Nga.

Hàng loạt cam kết viện trợ quân sự

Hôm 13/5, trước chuyến thăm của ông Zelensky, Đức công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 2,7 tỷ euro (3 tỷ USD). Đây là gói vũ khí lớn nhất của Đức kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Gói viện trợ gồm các bệ phóng cho hệ thống chống tên lửa Iris-T, thêm 30 xe tăng Leopard 1, hơn 100 xe chiến đấu bọc thép và hơn 200 máy bay do thám không người lái.

Trong khi đó, Pháp thông báo sẽ cung cấp hàng chục xe tăng hạng nhẹ và xe bọc thép, cùng với các hệ thống phòng không. "Trong những tuần tới, Pháp sẽ huấn luyện và trang bị cho một số tiểu đoàn hàng chục xe bọc thép và xe tăng hạng nhẹ, trong đó có AMX-10RC", thông cáo nêu rõ.

Ngày 15/5, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết sẽ viện trợ thêm cho Kiev nhiều vũ khí chiến đấu nhằm giúp nâng cao khả năng phòng thủ và bảo vệ lãnh thổ. Sau khi xác nhận chuyển tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow, Anh thông báo sẽ cung cấp hàng trăm tên lửa phòng không và UAV tấn công tầm xa.

Ông Sunak cho biết, Anh sẽ tham gia "Liên minh máy bay chiến đấu", nhóm các nước phương Tây giúp Ukraine xây dựng và tăng cường khả năng phòng không. Tuy nhiên, Anh không trực tiếp viện trợ máy bay chiến đấu như F-16 cho Ukraine, mà chỉ hỗ trợ huấn luyện cho phi công Ukraine kỹ năng điều khiển các máy bay chiến đấu theo tiêu chuẩn NATO. Anh không có bất kỳ chiếc F-16 nào nhưng sẽ nỗ lực thúc đẩy các đồng minh của mình gửi những tiêm kích này cho Kiev.

Kế hoạch lập một "liên minh máy bay chiến đấu" quốc tế để cung cấp máy bay cho Ukraine của ông Zelensky vẫn vấp phải mối lo ngại từ các đồng minh, đối tác. NATO cho rằng việc viện trợ máy bay chiến đấu đồng nghĩa liên minh sẽ can thiệp sâu vào cuộc xung đột. Ukraine muốn máy bay F-16 do Mỹ sản xuất để bổ sung cho kho máy bay phản lực thời Liên Xô của họ, nhưng Washington đã từ chối lời kêu gọi này.

Lô vũ khí ông Zelensky mang về cho Ukraine sau chuyến công du châu Âu - 2

Chuyến công du của ông Zelensky nhằm kêu gọi sự ủng hộ hơn nữa của phương Tây khi Ukraine chuẩn bị phản công Nga (Ảnh: Reuters).

Ukraine nhận được một lượng thiết bị ổn định từ phương Tây, và một số vũ khí được công bố trong tuần trước có thể đã được chuyển đến Ukraine.

Phó Đô đốc đã nghỉ hưu Michel Olhagaray, cựu giám đốc trung tâm nghiên cứu quân sự cấp cao của Pháp, cho biết: "Họ có thể tiến hành cuộc tấn công với những gì họ đã có, nhưng điều đó là không đủ để duy trì nó trong thời gian dài. Họ sẽ cần viện trợ trong thời gian dài".

Ngoài mục đích quân sự, chuyến công du của ông Zelensky cũng nhằm vận động sự ủng hộ chính trị. Ông Zelensky bắt đầu chuyến công du châu Âu vào ngày 13/5 tại Rome, nơi ông nhận được sự cam kết nồng nhiệt từ Thủ tướng Italy Giorgia Meloni.

Với việc gọi ông Zelensky là "bạn hữu" và nhấn mạnh mối quan hệ cá nhân của họ, bà Meloni hứa sẽ cung cấp cho Ukraine bất cứ thứ gì họ cần để giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga. Đồng thời, bà nói rằng, bất kỳ thỏa hiệp nào dẫn tới một "hòa bình bất công" là điều không thể chấp nhận được đối với Ukraine và Italy, và cũng là mối nguy đối với phần còn lại của châu Âu.

Francois Heisbourg, một chuyên gia phân tích người Pháp về các vấn đề quốc phòng và an ninh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết, chuyến đi châu Âu của ông Zelensky là một phần của "chuyến tham quan mua sắm vũ khí và có vẻ như nó đang rất hiệu quả".

"Tất nhiên, khía cạnh khác của chuyến công du này chính là chính trị. Đối với ông Zelensky, chính trị không kém phần quan trọng so với những thứ thuần túy quân sự", ông Heisbourg nhận định.

Theo AP, Reuters