Sau vụ giám đốc Huawei bị bắt, tập đoàn công nghệ Mỹ hạn chế nhân viên đi Trung Quốc
(Dân trí) - Tập đoàn công nghệ Mỹ Cisco đã gửi một email tới các nhân viên đề nghị họ hủy đi lại không cần thiết tới Trung Quốc, trong bối cảnh có những lo ngại rằng các quan chức Mỹ có thể bị nhắm tới để trả đũa vụ bắt giữ Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch công ty công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei Sabrina Meng Wanzhou.
Một số nhân viên của Cisco tại Mỹ cho biết ngày 7/12 họ đã nhận được một email đề nghị hủy các đi lại không cần thiết tới Trung Quốc, nói rằng việc hạn chế này có hiệu lực ngay tức thì.
Công ty sau đó thừa nhận email có tồi tại, nhưng lại khẳng định nó được “gửi tới một số nhân viên do một sự nhầm lẫn”.
“Việc đi lại làm ăn bình thường tới Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục”, phát ngôn viên của Cisco tại Hong Kong và Đài Loan, Polly Yu, cho biết và nói thêm rằng email đó không phản ánh chính sách của công ty.
Tuy nhiên, không phủ nhận là sự lo lắng đã gia tăng rằng các lãnh đạo công ty Mỹ có thể Trung Quốc nhắm tới để trả đũa hành động mà Bắc Kinh xem là “khiêu khích”, sau cảnh báo của các nhà phân tích về khả năng trả đũa của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã tìm cách trấn an, khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang cho hay Trung Quốc “luôn bảo vệ các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các công dân nước ngoài tại Trung Quốc và họ phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc khi họ ở trên đất Trung Quốc”.
Jason Wright, người sáng lập Argo Associates, một công ty tình báo Hong Kong, cho hay lệnh bắt giữ Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch công ty công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei Sabrina Meng Wanzhou hôm 1/12 là một “hành động khiêu khích” và Trung Quốc có thể đáp trả. “Bất kỳ lệnh trả đũa nào cũng sẽ được cân nhắc cẩn thận. Nó có thể diễn ra dưới dạng một cuộc điều tra chống độc quyền hay chống tham nhũng. Có nhiều cách để đáp trả”, ông nói.
Các lãnh đạo công ty Trung Quốc cũng lo ngại. Họ lo sợ rằng vụ bắt giữ một quan chức riêng lẻ của một ty nổi tiếng tại Trung Quốc đồng nghĩa với việc Mỹ có thể trở nên quyết liệt hơn trong chiến lược đối phó với các công ty công nghệ Trung Quốc và có thể nhắm vào bất kỳ quan chức nào tại bất kỳ công ty công nghệ nào ở bất kỳ thời điểm nào.
Một cố vấn doanh nghiệp có liên lạc với các quan chức cấp cao của Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc khác cho hay dù lệnh bắt giữ nhằm vào một cá nhân nhưng các quan chức cao khác có thể hạn chế các chuyến đi ra nước ngoài trong những tháng tới để giảm bớt rủi ro.
“Họ cảm thấy lo ngại về sự an toàn khi ra nước ngoài”, quan chức trên nói.
Quan chức trên, người từ chối tiết lộ danh tính, cho hay ông đã cố vấn cho các công ty công nghệ Trung Quốc để nhận thức về các rủi do có thể bị Mỹ nhắm tới. Ông đã hối thúc họ đưa các nhà đầu tư Mỹ vào các hoạt động của họ để giảm thiểu nguy cơ và tìm kiếm đồng minh trong bất kỳ cuộc xung đột nào với chính phủ Mỹ.
Hiện chưa rõ liệu có sự ảnh hưởng nào từ vụ bắt giữa quan chức Huawei đối với các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung dự kiến bắt đầu trong tháng này hay không. Truyền thông chính thống Trung Quốc đã giảm nhẹ vụ việc, nhưng cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng vụ việc Huawei có thể có vai trò trong các cuộc đàm phán thương mại.
“Điều này có thể khiến các mâu thuẫn thương mại giữa hai nước càng phúc tạp”, William Zarit, Chủ tịch phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc, nhận định.
Vụ bắt giữ bà Meng diễn ra trong bối cảnh Huawei ngày càng đối mặt với sự tẩy chay trên thị trường quốc tế. Dưới sức ép từ Mỹ, tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã phải đóng băng các dự án 5G tại Australia, New Zealand, và gần đây nhất là Anh và Nhật Bản.
Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ 2 thế giới.
An Bình
Theo SCMP