Lo chiến tranh Nga-Ukraine trước lời nguyền tháng 8
Tương lai về một cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine với Nga là điều vẫn đang được các chuyên gia chính trị, quân sự đặt trong vòng nghi vấn.
Đặc biệt, thời điểm tháng 8 là mốc thời gian trong hàng loạt sự kiện quan trọng gắn liền với các hoạt động liên quan tới Nga.
Đó là thời điểm diễn ra cuộc nổi dậy năm 1991, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ hai, thảm họa tàu ngầm Kursk năm 2000, cuộc chiến tranh ngắn ngày tại Gruzia năm 2008.
Liệu lời nguyền này có linh ứng với Ukraine trong năm nay?
Tổng thống Nga củng cố lực lượng Biển Đen
National Interest đăng tải bình luận của chuyên gia về an ninh quốc gia Nga, ông Nicholas Gvozdev cho rằng Tổng thống Vladimir Putin đang ngày càng thúc đẩy các bước hành động nhằm tăng cường vị thế lãnh đạo của Nga ở khu vực Biển Đen.
Nhà phân tích này diễn giải các sự kiện: Thứ hai tuần trước, tại Baku đã diễn ra cuộc đàm phán ba bên giữa các Tổng thống Nga, Azerbaijan và Iran. Ba nguyên thủ đã thảo luận về các đề án cơ sở hạ tầng mới liên kết châu Âu và Nam Á.
Vào hôm thứ Ba, Tổng thống Erdogan đến nước Nga với lời xin lỗi về sự cố Su-24. Đáng chú ý là cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Ankara và Brussels xấu đi. Trong khi quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang được cải thiện.
Thổ Nhĩ Kỳ có tầm quan trọng là một nước có tiềm năng trung chuyển khí đốt sang châu Âu. Ankara có thể trở thành trung tâm đầu mối về dầu khí quy mô lớn đối với châu Âu, nếu đường ống dẫn khí đốt Transanatolia (TANAP) và "dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" của Liên bang Nga sẽ xuyên qua nước này.
"Hiện nay Tổng thống Putin đang có các phương án thay thế: "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" trở lại có hiệu lực, đề án tuyến thương mại mới qua Iran đến Vịnh Ba Tư đang được nghiên cứu. Liên bang Nga đang có cơ hội tuyệt vời để trở thành trọng tài của Biển Đen" - chuyên gia Nga nhận định.
Sau đó, Tổng thống Putin tuyên bố hàng loạt các cáo buộc âm mưu tấn công khủng bố của Ukraine vào bán đảo Crimea, nơi Ukraine chưa khi nào nguôi hy vọng đoạt lại sự đồng lòng dân chủ của những người dân nơi đây.
Sự tăng cường pháo kích vào khu vực Donetsk, bất ổn ở Debaltsevo, các nỗ lực ám sát nhà lãnh đạo của Cộng hòa Lugansk tự xưng và cuối cùng là cáo buộc tình báo Ukraine cố gắng đột nhập và phá hoại tình hình ở Crimea đã góp phần làm leo thang tình hình trong khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine.
Theo tờ Pravda, động thái này cho thấy Kiev đã quyết định chuyển từ các mối đe dọa bằng lời sang hoạt động quân sự chống lại Nga.
Theo báo Nga, có 3 mục đích mà chắc chắn Tổng thống Ukraine là người đứng ở phía sau âm mưu này muốn thực hiện. Đó là đe dọa, nỗ lực để hồi sinh quan hệ Ukraine với phương Tây và mong muốn đem đến một làn gió mới cho chủ nghĩa yêu nước – yếu tố được xem là thành trì của chính phủ Kiev hiện nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả hành động của chính phủ Kiev là “ngu ngốc và là hành động tội phạm” và cho rằng Kiev một lần nữa chứng minh rằng họ “không muốn giải quyết vấn đề thông qua đàm phán”. Ông Putin cũng cam kết sẽ “không bỏ qua vụ việc”.
Ngay sau đó, ông Putin bắt đầu thực hiện lời hứa của mình. Về ngoại giao, nhà lãnh đạo Nga đã hủy bỏ cuộc họp định dạng Normandy ở Bắc Kinh trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20. Giới chức Nga sau đó cũng cảnh báo về khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine.
Chiến tranh để đón người anh em lầm lạc trở về
Chủ tịch Đảng Cộng sản LB Nga Gennady Zyuganov chia sẻ với Sputnik rằng, Nga không nên chấm dứt quan hệ với Ukraine. Và đây nên là một cuộc chiến tranh vì "người anh em".
"Phải tiếp tục làm việc với Ukraine, cần phải bắt lấy những phần tử cực đoan và tội phạm từ đó, cũng cần phải bắt hết những kẻ trong chính quyền đã ra lệnh cho các hành động khiêu khích này.
Phải chiến đấu giành lấy Ukraine, thay vì để cho những kẻ đê tiện một lần nữa lại chà đạp lên những người anh em đã từng chung vai sát cánh trong suốt quá trình lịch sử. Đây là quan điểm của tôi" - ông Zyuganov nói.
Theo ý kiến của ông, "người dân Ukraine đã rơi vào cái bẫy" và Nga cần giúp họ tiêu diệt những kẻ "đánh cắp chính quyền".
"Mỗi người đều có bạn bè, những người thân ở đó. Không nên để họ phải đau khổ. Ở đây cần phải phân biệt đâu là những kẻ chủ nghĩa dân tộc Bandera, bọn quốc xã, bọn điệp viên, còn đâu là nhân dân Ukraine, những người thành con tin của những kẻ cắp lên nắm quyền bằng vũ lực", ông nói.
Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước của Crimea - ông Remzi Ilyasov thì mô tả sự xuất hiện của những kẻ phá hoại người Ukraine trên bán đảo là “tuyên bố chiến tranh trên nước Nga".
Leonid Kalashnikov, Phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc hội về các vấn đề quốc tế cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine cần phải được giải quyết một cách hòa bình.
Tuy nhiên, Nga đã cảnh báo và sẵn sàng hành động. Quân đội Nga luôn ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Nếu lãnh thổ của Nga bị tấn công bởi vũ khí hạng nặng, Nga sẽ đáp trả nhanh chóng.
“Chúng tôi sẽ tiếp cận và tiêu diệt những kẻ khủng bố trong lãnh thổ của mình. Như chúng tôi đã nói, chúng tôi có thể sẽ làm họ tỉnh táo hơn", ông Leonid Kalashnikov nhấn mạnh và lưu ý thêm rằng sự do dự chỉ làm tình hình Ukraine mất ổn định hơn nữa.
Xét về tình hình hiện tại, Nga hoàn toàn có khả năng đáp lại các căng thẳng tới từ Ukraine bằng một cuộc tấn công tên lửa vào các căn cứ huấn luyện khủng bố (động thái phù hợp với khuôn khổ của Hiến chương Liên Hợp Quốc) hoặc một hoạt động mặt đất trên danh nghĩa giúp Ukraine lập lại hòa bình. Quân đội Nga có thể sẽ đến Kiev hoặc không đến. Nó sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thời gian sẽ trả lời, Pravda bình luận.
Kiev hoàn toàn có thể phụ thuộc vào "cộng đồng quốc tế" sẽ bảo vệ. Nhưng những gì đã xảy đến trong lịch sử, như sư kiện Gruzia năm 2008 khi Washington từng đã gật đầu cho Saakashvili bắt đầu bắn phá Tskhinvali và sau đó bỏ rơi họ hay Bộ Ngoại Mỹ đã từng tránh né đưa ra bình luận chính thức về sự kiện ngày ở Crimea ngày 6-8/8, sẽ chỉ khiến Ukraine thêm một lần nữa thất bại.
Trong khi đó, tình hình chính trị hiện nay cho thấy Ukraine đang gặp bất lợi.
Pravda cho thấy, các đối tác của Ukraine ở phương Tây còn đang lo ngại về cuộc khủng hoảng người tị nạn, ảnh hưởng từ mối quan hệ với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ tan vỡ; làn sóng tấn công khủng bố vào châu Âu; nguy cơ sụp đổ EU sau Brexit.. Còn nước Mỹ đang bận chiến đấu với chính những xáo trộn trong đất nước họ, những trận nổ súng, những mâu thuẫn chính trị, và cả Donald Trump.
Còn Nga đang thu được nhiều lợi thế trên chính trường và với cả các người bạn phương Tây, sự gia tăng quyền lực trên Biển Đen và ảnh hưởng ở châu Á hậu thuẫn.
Theo Pravda, Tổng thống Putin đã nhận ra rằng đây là thời điểm để làm rõ ràng vấn đề Ukraine: Một là các bên phải tuân thủ định dạng Normandy hoặc là Nga sẽ rời khỏi cam kết này.
Trong tháng 8 này, có nhiều khả năng để cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine diễn ra, nhưng có lẽ nó vẫn cần đợi chờ thêm một cú hích.
Theo Đông Phong
Đất Việt