1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lính Nga ở Ukraine: Từ Mùa xuân Crimea đến Mùa xuân Donbass

Trong buổi họp báo ngày 17/12, ông Putin lần đầu tiên thừa nhận có đặc nhiệm Nga ở Donbass, gợi nhớ đến việc Nga tiết lộ chiến dịch “Mùa xuân Crimea”.

Tổng thống Putin thừa nhận quân nhân Nga hiện diện ở Donbass

Tại cuộc “Gặp gỡ báo chí thường niên 2015” kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, được tổ chức tại Trung tâm Thương mại Quốc tế Moscow vào chiều tối 17-12, Tổng thống Nga Putin đã lần đầu tiên xác nhận sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm Nga ở miền Đông Ukraine.

Mở đầu loạt các câu hỏi về Ukraine, trước tiên ông Putin nhấn mạnh rằng Moscow luôn mong muốn đất nước này được hòa bình, ổn định và phát triển. Cuộc xung đột tại Ukraine cần phải được giải quyết nhưng không phải là bằng mọi giá.

“Chúng tôi quan tâm đến việc cuộc xung đột đó được kết thúc càng nhanh càng tốt, nhưng không được giải quyết bằng tiêu diệt người dân ở Đông Nam Ukraine". Mọi biện pháp vũ lực chống lại người dân Donbass đều không thể chấp nhận được.

Vị Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh rằng, nước này sẽ tiếp tục phát triển căn cứ Hải quân tại Sevastopol, biến quân cảng nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Hạm đội Biển Đen thành một căn cứ hải quân mạnh mẽ, bảo đảm lợi ích của Nga không chỉ trong Biển Đen mà cả các vùng biển khác.

Trong thời gian qua, Nga đã điều động thêm các vũ khí tối tân đến cho Hạm đội này như các hệ thống phòng không S-300, máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3.

Ông Putin cũng thẳng thắn nói rằng, thời kỳ nước này được coi là đồng minh thân thiết của của Nga đã qua. Điện Kremlin sẽ không chuẩn bị áp đặt lệnh trừng phạt nào đó đối với Ukraine, nhưng đơn giản là Kiev sẽ không còn được hưởng các đặc quyền và ưu tiên từ Moscow.

Tổng thống Putin nêu quan điểm này trong bối cảnh ông đã đã chuyển tới Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) xem xét dự thảo đình chỉ Hiệp định FTA (Hiệp định khu vực thương mại tự do) với Ukraine vào ngày 16-12.

Theo đó, dự luật này sẽ được Hạ viện Nga xem xét vào ngày 22 tháng 12 - Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Ivan Melnikov (nghị sĩ đảng Cộng sản) nói với các phóng viên, sau một cuộc họp của Hội đồng Duma.

Trả lời câu hỏi của một nhà báo Ukraine về sự việc liên quan đến 2 sĩ quan tình báo quân sự Nga bị Kiev bắt và hiện đang bị xét xử ở Kiev, ông Putin cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ nói là không có những người thực hiện các nhiệm vụ nhất định, kể cả trong lĩnh vực quân sự tại đây”.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin khẳng định rằng, những người thực hiện "nhiệm vụ nhất định" ở các tỉnh Dobass ở miền Đông Ukraine không phải là các binh lính thuộc các lực lượng quân thường trực của nước này, mà đó là các chuyên gia huấn luyện quân sự.

Hãng tin Reuters bình luận, việc Tổng thống Nga Putin thừa nhận có lực lượng đặc biệt của Nga ở Donetsk và Lugansk là một “bất ngờ nho nhỏ”, không phải vì người ta không biết mà bởi trước đó, các quan chức Nga luôn phủ nhận rằng có lính Nga ở miền Đông Ukraine.

Lính Nga ở Ukraine: Từ Mùa xuân Crimea đến Mùa xuân Donbass - 1

“Lính lạ” canh gác doanh trại quân đội Ukraine và chân dài Crimea tạo dáng chụp ảnh với “những người lịch sự”

Trước đây, Bộ Quốc phòng Nga luôn khẳng định không có bất cứ quân nhân tại ngũ nào của Nga đang hiện diện ở miền đông Ukraine mà đó chỉ là những binh lính tình nguyên. Nga không có chủ trương đưa quân sang Ukraine nhưng cũng không thể cấm họ “tình nguyện chiến đấu vì những người dân ở Donbass”.

Việc các chuyên gia quân sự và đặc nhiệm Nga hiện diện ở miền Đông Ukraine là điều mà nhiều người dự đoán được nhưng cái cách ông Putin thừa nhận nó mới là sự bất ngờ, cũng giống như trước đây Nga đã từ từ tiết lộ về việc họ đã chuẩn bị và tiến hành chiến dịch “Mùa xuân Crimea” ra sao.

Tổng thống Putin lần đầu tiên thừa nhận sự hiện diện của “lính lạ”, trong cuộc giao lưu trực tuyến của Tổng thống với người dân Nga ngày 17-4-2014. Tuy nhiên, mãi đến 27-2-2015 - một năm sau ngày bắt đầu chiến dịch bảo vệ quá trình sáp nhập bán đảo, Nga mới lần đầu tiên thừa nhận sự tồn tại của chiến dịch “Mùa xuân Crimea”.

Từ “Mùa xuân Crimea” đến “Mùa xuân Donbass”

Ngày 27-2 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lần đầu tiên công khai thừa nhận sự tồn tại của Chiến dịch “Mùa xuân Crimea”, khi ký sắc lệnh lấy 27-2 làm “Ngày Các lực lượng đặc nhiệm Nga” do họ “đã lập những thành tích đặc biệt trong những ngày tiến hành chiến dịch ‘Mùa xuân Criema’, góp phần đảm bảo an ninh cho người dân trên bán đảo trong cuộc trưng cầu ý kiến sáp nhập Crimea với Liên bang Nga”.

Ngay sau khi ông Yanukovych bỏ chạy khỏi Kiev và chính phủ tạm quyền thân phương Tây ở Kiev ra mắt ngày 26-2-2014, ông Putin đã lập tức khởi động tiến trình sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga “bằng mọi giá”, trước khi Kiev đưa quân xuống chiếm giữ bán đảo, trao cho cụm tàu sân bay Mỹ.

Khi đó, “những người lịch sự”, đứng sau lưng lực lượng tự vệ Cossaks và đặc nhiệm Berkut đã cương quyết ngăn chặn quân đội Ukraine ra khỏi doanh trại. Sau đó giải giáp họ, đồng thời phá các âm mưu khủng bố của những phần tử cực đoan Kiev, bảo đảm cuộc trưng cầu dân ý trên bán đảo diễn ra tốt đẹp.

Ngày 1-3-2014, ông Putin đã đi bước tiếp theo là để nghị Thượng viện (Hội đồng Liên bang Nga) chấp thuận “cho phép sử dụng lực lượng vũ trang của Liên bang Nga trên đất Ukraine cho đến khi tình hình chính trị tại đất nước này bình thường trở lại”. Nhưng khi đó, đặc nhiệm Nga đã tràn ngập Crimea.

Bởi vậy, dù Nga có tuyên truyền là bán đảo này trở về với Nga là do nguyên vọng của nhân dân nhưng họ cũng đã chuẩn bị trước, đồng thời tích cực thúc đẩy và bảo vệ nó diễn ra một cách suôn sẻ.

Lính Nga ở Ukraine: Từ Mùa xuân Crimea đến Mùa xuân Donbass - 2

Chiến dịch “Mùa xuân Crimea” được bắt đầu với việc đặc nhiệm Nga phong tỏa tòa nhà chính quyền và tòa nhà quốc hội ở thủ phủ Simferopol, đêm ngày 27-2-2014

Song song với tiến trình sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Liên bang, Nga cũng đồng thời thúc đẩy kế hoạch “nổi dậy” của các tỉnh miền Đông Ukraine dưới khẩu hiệu “phản đối lật đổ chính quyền hợp Hiến của ông Yanukovych” và “không công nhận chính quyền đảo chính ở Kiev” và đòi Liên bang hóa.

Các tỉnh phía đông Ukraine bao gồm Kharkov, Donetsk và Lugansk là những trung tâm công nghiệp nặng, công nghiệp khai khoáng và công nghiệp quốc phòng của Ukraine, có liên quan chặt chẽ đến các cơ sở công nghiệp của Nga, đặc biệt là trung tâm công nghiệp quốc phòng ở Kharkov.

Tỷ lệ người Nga ở 3 tỉnh vùng Donbass thấp hơn nhiều và không có những nguyên nhân lịch sử thuận lợi như Crimea nên Moscow không thể sáp nhập những vùng đó vào lãnh thổ mình như Crimea.

Thay vào đó, Nga sẽ hậu thuẫn cho Donetsk, Lugansk và Kharkov đứng lên đòi độc lập hoàn toàn hoặc vẫn thuộc chủ thể Ukraine nhưng phải là nước Cộng hòa Liên bang hóa và tiếp tục nằm trong vòng ảnh hưởng của mình, tạo nên một vùng đệm cho Nga chống lại sự bành trướng sang phía đông của NATO.

Điểm đặc biệt nhất trong bản kế hoạch này là tập trung đánh vào vấn đề “nhân tâm”, khơi dậy sự bất mãn đối với chính quyền trung ương Kiev và dọn đường cho việc tổ chức trưng cầu dân ý về "mở rộng quyền tự trị trong đất nước Ukraine Liên bang hóa hoặc khả năng gia nhập Liên bang Nga”.

Lính Nga ở Ukraine: Từ Mùa xuân Crimea đến Mùa xuân Donbass - 3

Moscow xác định sẽ lập tức sáp nhập Crimea vào Nga, còn Donbass sẽ đứng lên đòi độc lập (Ảnh: Các tay súng ly khai ở Lugansk tháng 3-2014)

Sở dĩ Nga tập trung đánh vào vấn đề “nhân tâm” và coi đó là điều cực kỳ quan trọng bởi cộng đồng quốc tế khó có thể phản biện về cái gọi là “nguyện vọng chân chính của nhân dân”. Nó sẽ là chỗ dựa hợp pháp để Nga tiến hành các hoạt động sáp nhập Crimea và hậu thuẫn cho các vùng ly khai ở Ukraine.

Tuy nhiên, để khởi động được cả 2 kế hoạch ở Crimea và Donbass, Nga phải có một cái cớ nào đó. Và vụ đào thoát khỏi đất nước vào ngày 21-2-2014, mà không tuyên bố từ nhiệm theo đúng tiến trình lập hiến của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych là lí do tuyệt hảo để Nga khởi động kế hoạch.

Không rõ ông Yanukovych đã "vô tình hay cố ý" thực hiện sai lầm chính trị nghiêm trọng này, nhưng phe thân phương Tây ở Ukraine bị gắn với tội danh “đảo chính”, khiến Nga có cớ để sáp nhập Crimea và Donbass cũng có lí do để đứng lên đòi độc lập.

Sau Crimea, các tỉnh Donbass đều tiến hành những cuộc “trưng cầu dân ý", có sự chứng kiến của quan sát viên và truyền thông phương Tây để không ai có thể nghi ngờ về kết quả của nó. Điểm đặc biệt quan trọng là chúng đều diễn ra trong trạng thái hòa bình, ổn định và mang tính chất “tự nguyện” nhất.

Tuy nhiên, chiếm chính quyền thì dễ nhưng giữ được chính quyền mới khó.

Nga đưa đặc nhiệm vào Donbass giữ chính quyền ly khai

Ngày 13-04, Kiev đã bắt đầu sử dụng trực thăng, xe bọc thép tấn công thành phố Slavyansk - một trong bốn thành phố lớn của tỉnh Donetsk. Thế nhưng, lực lượng vũ trang của “người biểu tình” với quân số rất ít đã đánh lui quân chính phủ, đánh dấu thời điểm bắt đầu cuộc nội chiến Ukraine.

Điều này hẳn khiến nhiều người bị sốc bởi khi đó, lực lượng biểu tình chỉ có rất ít trang bị nặng chiếm được của Ukraine, còn lại chủ yếu là vũ khí thông thường. Thế nhưng, lực lượng “dân binh” này đã giữ vững được nhiều thành phố làng mạc của 2 tỉnh Lugansk và Donetsk.

Mặc dù vài ngàn cảnh sát đặc nhiệm Berkut ở các tỉnh miền đông đã về phe ly khai nhưng họ cũng chủ yếu là lực lượng chống bạo loạn, không quen đánh trận và chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan đầu não các tỉnh thành vừa chiếm được. Vậy những tay súng trực tiếp tham chiến là lực lượng nào?

Trước ngày 12-04-2014, mới chỉ rải rác xuất hiện một số tay súng bịt mặt, mặc quân phục không phù hiệu, nhưng bắt đầu từ ngày 13-04, tại hàng loạt thành phố miền Đông Ukraine đột ngột xuất hiện rất nhiều tay súng như vậy và được gọi chung là “Lực lượng dân quân Donbass”.

Như vậy, lực lượng dân quân ở các tỉnh miền đông đã được tăng viện một lượng quân số rất lớn và thiện chiến.

Lính Nga ở Ukraine: Từ Mùa xuân Crimea đến Mùa xuân Donbass - 4

Những người lính tự xưng là “Lực lượng dân quân Donbass” tràn ngập miền đông Ukraine vào ngày 13-4-2014

Sau khi họ đánh lui quân chính phủ, Mỹ và NATO cũng cáo buộc rằng, những hành động chuyên nghiệp và có tổ chức cùng với khả năng thiện chiến đáng kinh ngạc của lực lượng “dân quân” ít ỏi này chứng tỏ đặc nhiệm Nga đã hiện diện ở đông Ukraine.

Thế nhưng, thời điểm đó biên giới nước này vẫn nằm trong sự kiểm soát của quân chính phủ, vệ tinh Mỹ cũng ráo riết lùng sục khu vực biên giới Nga-Ukraine nhưng không thể phát hiện được việc điều chuyển quân sang bên kia biên giới nên Kiev mới yên tâm mở chiến dịch càn quét.

Tuy nhiên, vài chục ngàn quân Ukraine đã vấp phải sự kháng cự mạnh đến không ngờ. Vậy số lính đặc nhiệm Nga ở đâu ra?

Trước đó, vào ngày 12-04, một đại hội của lực lượng cảnh sát chống bạo loạn Berkut đã được tổ chức tại tại Sevastopol - Crimea.

Đại hội đã tuyên bố ủng hộ cảnh sát phía đông Ukraine và kêu gọi toàn thể những người thực thi pháp luật đứng về phía nhân dân, đồng thời cảm ơn đội "Alpha" đã từ chối tấn công những người biểu tình đang chiếm giữ các tòa nhà công sở ở Lugansk, Donetsk, Kharkov.

Đồng thời, nhóm chiến binh Cossacks (lực lượng tự vệ người Nga) ở Crimea và các cựu binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm Berkut Crimea tuyên bố “tình nguyện” lên đường sang miền đông Ukraine để “chia lửa” với những người dân ở Donbass.

Lính Nga ở Ukraine: Từ Mùa xuân Crimea đến Mùa xuân Donbass - 5

Đặc nhiệm Nga hợp pháp hóa sự hiện diện ở các tỉnh đông Ukraine, bằng cách trà trộn vào lực lượng dân quân Cossacks và đặc nhiệm Berkut

Động thái này rõ ràng là có chủ ý. Không phải tự nhiên Đại hội Berkut này được tổ chức đúng vào thời điểm đó. Nó chỉ là cái cớ để đặc nhiệm Nga đang triển khai ở Crimea hợp pháp hóa sự hiện diện của họ ở các tỉnh đông Ukraine, bằng cách trà trộn vào lực lượng dân quân Cossacks và đặc nhiệm Berkut.

Điều này cho thấy khả năng ứng biến của các chỉ huy chiến trường Nga rất tốt, khi vệ tinh Mỹ và lực lượng thám báo Ukraine đang khóa chặt biên giới Nga-Ukraine thì họ đã nhanh chóng đưa ra quyết định tăng viện từ Crimea nhằm giữ vững chính quyền ly khai ở các tỉnh Donbass.

Cho đến nay, ông Putin vẫn tuyên bố rằng, Moscow sáp nhập Crimea là do “không thể từ chối nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân trên bán đảo”, còn Donbass đòi độc lập là do họ “không chấp nhận sự cai quản của một chính phủ Kiev cướp chính quyền bằng bạo lực, dựng dân chủ trên đầu mũi súng”.

Tuy nhiên, nếu không có sự tham gia ngay từ đầu của lực lượng đặc nhiệm Nga ở Crimea và Donbass thì có thể khẳng định rằng, các cuộc biểu tình của dân miền Đông Ukraine sẽ nhanh chóng bị Kiev dập tắt bằng lực lượng cảnh sát, quân đội, lính đánh thuê và các tiểu đoàn tiễu phạt.

Chính trị là thủ đoạn, có thể nhiều người không đồng tình với những việc làm của Moscow, nhưng đứng trên quan điểm của Nga, để bảo vệ an ninh quốc gia của mình, ông Putin buộc phải tiến hành những bước đi đó để thu hồi Crimea và tạo ra “vùng đệm” ở miền Đông Ukraine, trước sự áp sát của Mỹ-NATO.

Theo Thiên Nam

Đất Việt