Liệu Pháp có sa lầy ở Mali?
(Dân trí)- Cấp tốc can thiệp quân sự vào Mali để ngăn đà tiến của quân Hồi giáo, Pháp đã thể hiện vai trò tiên phong giúp Mali kiểm soát tình hình và tránh nguy cơ nội chiến. Tuy nhiên, có ý kiến quan ngại Paris sẽ bị sa lầy nếu không có toan tính kỹ càng.
Phản ứng khá nhanh bằng quyết định can thiệp quân sự vào Mali, Pháp muốn chứng tỏ vai trò tiên phong trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế giúp quốc gia Tây Phi này tránh nguy cơ nội chiến lan rộng. Nhưng liệu Pháp có bị sa lầy tại châu Phi như Mỹ từng vướng chân tại Afghanistan?
Theo Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Mỹ, Pháp có thể sẽ phải duy trì lực lượng thường trực ở Mali lâu hơn dự kiến để giải quyết nhiều vấn đề hóc búa đặt ra hiện nay.
Những vấn đề đó xuất phát từ việc tình hình an ninh tại Mali đã xấu đi nhanh chóng trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt kể từ khi các nhóm Tuareg ở miền Bắc ráo riết tìm cách thành lập nhà nước độc lập Azawad.
Đây là những nhóm người trở về từ Libya cùng với những loại vũ khí tối tân sau khi chế độ của nhà lãnh đạo Gadhafi bị sụp đổ năm 2011. Sau một thời gian củng cố lực lượng ở miền Bắc dưới sự giúp sức của chi nhánh al-Qaeda ở Bắc Phi, các nhóm hồi giáo cực đoan này bắt đầu mở rộng hoạt động và đẩy mạnh làn sóng tấn công trên toàn miền Bắc. Cuộc xung đột lên đến đỉnh điểm trước sự bất lực của chính phủ Mali, và hậu quả là toàn bộ miền Bắc rơi vào tay lực lượng Hồi giáo.
Chán ngán cảnh “đầu rơi, máu chảy”, quân đội Mali đã tiến hành cuộc đảo chính vào tháng 3/2012 ở thủ đô Bamako, đẩy Mali chính thức rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị. Hàng loạt sáng kiến đã được cộng đồng quốc tế đưa ra nhằm giúp Mali bình ổn trở lại, trong đó có việc thành lập Phái đoàn Quốc tế hỗ trợ Mali do các quốc gia châu Phi phụ trách (gọi tắt là AFISMA).
Tuy nhiên, xung đột vẫn diễn ra thường xuyên với tính chất ngày càng khốc liệt. Sau khi chiếm chọn miền Bắc, các nhóm vũ trang tức tốc thẳng tiến về phía Nam hòng giành nốt khu vực này. Họ dã không mấy khó khăn chiếm đóng được thị xã Konna và tấn công thị xã Diabali, hai tiền đồn quan trọng án ngữ một trong những tuyến đường huyết mạch từ Bắc xuống Nam. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mali Dioncounda Traoré đã buộc phải yêu cầu Pháp giúp đỡ.
Ngày 11/1, Pháp chính thức mở màn chiến dịch quân sự chống lực lượng Hồi giáo ở quốc gia thuộc địa trước đây nhằm ba mục đích: ngăn chặn làn sóng khủng bố, bảo vệ Bamako và giúp Mali khôi phục toàn vẹn lãnh thổ. Đặc nhiệm, bộ binh và không lực Pháp đã được lệnh tham gia ngay từ đầu chiến dịch. Nhưng trước tiềm lực khí tài khá mạnh của quân nổi dậy, Pháp buộc phải triển khai thêm nhiều hỏa lực mạnh từ các căn cứ ở Tây Phi tới Mali, bao gồm xe thiết giáp ERC-90 trang bị súng 90 mm, máy bay chiến đấu...
Song song với đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố sẽ tăng cường lực lượng Pháp tại Mali lên 2.500 quân cùng nhiều vũ khí trang thiết bị hiện đại khác để có thể triển khai những chiến dịch cơ động. Paris hy vọng với sự tăng viện ồ ạt này, chiến dịch trên không và trên bộ ở Mali sẽ nhanh chóng kết thúc.
Thế nhưng mong muốn này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, nhất là khả năng tác chiến của AFISMA, mức độ chuẩn xác của các thông tin tình báo và tiềm lực của lực lượng phiến quân Hồi giáo vốn rất am hiểu địa hình Mali.
Theo các thông tin tình báo, dường như các nhóm nổi dậy đã chấp nhận thách đấu trong cuộc đua về thời gian. Chiến đấu ở thế dưới, các tay súng này sẽ tìm cách chiếm thêm nhiều vùng lãnh thổ và tiêu diệt quân chính phủ trước khi Pháp kịp định hình và sẵn sàng nhập cuộc chơi.
Vì vậy, để đảm bảo chắc thắng, Pháp không thể "đơn thương, độc mã" trong chiến dịch quân sự tiên phong hiện nay. Thay vào đó, nước này cần phải đẩy mạnh thuyết phục các nước châu Âu và vùng Vịnh nhanh chóng góp quân, hỗ trợ vũ khí và tài chính. Một số lời hứa cũng đã được đưa ra sau khi Paris chính thức lên tiếng về vấn đề này.
Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, kịch bản AFISMA cung cấp quân và Pháp đóng vai trò cố vấn có thể là chìa khóa cho chiến lược lâu dài ở Mali. Hiện tại, trong số các nước cam kết ủng hộ Pháp, mới chỉ có Nigeria góp một đại đội và Togo gửi 250 quân. Vì vậy, đây chắc chắn sẽ là tiến trình lâu dài, không thể chấm dứt trong "một sớm, một chiều" nếu như Pháp không nhanh chóng tìm ra lời giải về chiến lược.
Việt Giang