1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Liên quân sắp tấn công tổng lực phá hủy các thành trì của IS

(Dân trí) - Tại cuộc họp hôm qua 20/1, lãnh đạo 7 nước trong liên minh không kích do Mỹ đứng đầu tuyên bố sẽ tăng cường chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xung (IS), phá hủy toàn bộ thành trì của tổ chức này.

 

(Ảnh minh họa: AFP)
(Ảnh minh họa: AFP)

Phát biểu sau cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng 7 nước gồm Úc, Mỹ, Ý, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh trong liên quân, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố liên quân sẽ phá hủy 2 thành trì của IS ở Raqa và Mosul, đồng thời tiêu diệt các mầm mống IS trên toàn thế giới. Cụ thể, liên quân đặt mục tiêu sẽ đẩy lùi IS khỏi các thành phố lớn ở Iraq và Syria trong vài tuần tới.

Bảy bộ trưởng cũng xem xét cần hỗ trợ những phương tiện gì như tăng thêm  số lượng máy  bay hay  "huấn luyện viên " nhằm giúp lực lượng tại chỗ có thêm sức mạnh để tái chiếm đất đai của IS.

Về phía Mỹ, trong một động thái thể hiện quyết tâm cho chiến dịch chống IS này, tuần trước, 200 đặc nhiệm đầu tiên của Mỹ đã đặt chân tới Iraq. Ngoài ra, hôm qua, Nhà Trắng đã bật đèn xanh để Lầu Năm Góc tiến hành các cuộc không kích IS ở mặt trận Afghanistan. Mỹ cũng nhấn mạnh các nước đối tác khác ở châu Âu, ở Trung Đông, đặc biệt là ở vùng Vịnh hay châu Á  cần phải phải tham gia đóng góp nhiều hơn nữa.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố: “Chúng ta phải đánh tổ chức này trên mọi mặt trận để đảm bảo rằng có thể diệt IS tận gốc”. Ông cũng cho biết, Pháp sẵn sàng cho phép các máy bay chiến đấu của Mỹ cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp. Tuy nhiên khi được hỏi liệu Pháp có triển khai lực lượng đặc nhiệm trong khu vực như Mỹ đã làm hay không, ông Le Drian từ chối bình luận với lý do quân đội Pháp có nguyên tắc không bao giờ thảo luận về hoạt động của lực lượng đặc nhiệm.

Chiến dịch không kích của liên quân phương Tây và Nga được cho là đã gây thiệt hại lớn cho IS. Tổ chức này đã mất kiểm soát khoảng 1/4 lãnh thổ mà chúng chiếm đóng trước đó, trong đó có thành phố Ramadi của Iraq. IS cũng phải cắt giảm một nửa lương trả cho các tay súng ở Syria và Iraq do nguồn tài chính đang cạn kiệt dần sau các cuộc không kích của liên quân nhằm vào cơ sở dầu và tài chính.

Mỹ, Úc và Pháp đã điều động lực lượng tới huấn luyện cho 1.500 binh sỹ Iraq, trong đó đặc biệt huấn luyện cách đối phó với thủ đoạn tấn công liều chết, tấn công bằng thiết bị nổ mà IS thường dùng. Tuy nhiên, đến nay, phương Tây vẫn chưa can dự sâu do lo ngại lại sa lầy như chiến dịch ở Afghanistan và Iraq.

Tổng tham mưu quân đội Pháp Didier Castres cũng cho rằng, chiến lược quân sự của Liên minh cũng còn nhiều "'điểm yếu", nên chưa đạt được những hiệu quả nhanh chóng. Điểm yếu nhất là về "phương tiện can thiệp". " Hàng ngày có khoảng 100 đợt không kích, trong đó "ba phần tư  phi vụ được tiến hành tại Iraq và một phần tư được thực hiện tại Syria", so với  2000 phi vụ trong cuộc  Chiến tranh vùng Vịnh thứ nhất vào năm 1991 và 250 phi vụ tại Libya vào năm 2011, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp giải thích ngày 16/12/2015 tại Thượng viện Pháp.

Trong khi đó, mặc dù thất bại trong thời gian gần đây, nhưng IS hiện vẫn có 30.000 chiến binh và hàng tuần vẫn tiếp tục lôi kéo  được hàng trăm chiến binh nước ngoài, ông Didier Castres cho biết. Do đó, liên quân cho rằng cần thiết phải phong tỏa hoàn toàn đường biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là con đường xâm nhập của những tân binh mới của IS.

Minh Phương-Quý Cao

Tổng hợp