1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lịch sử không có những trang bị rứt bỏ

Cách mạng Tháng Mười vĩ đại và bi tráng, như một tờ giấy quì để thử ai là ai.

Đó là mở đầu bài viết của Chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Sergei Mironov trên tờ Báo Nga ngày 31/10, nhân kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Một mặt (có quan điểm muốn) công nhận ngày Cách mạng Tháng Mười năm 1917 là ngày lễ chính thức của nước Nga, nhưng mặt khác (lại có quan điểm) muốn thúc đẩy dự luật đưa biểu tượng búa liềm ra khỏi ngọn cờ chiến thắng, cố một cách vụng về sửa chữa một số nét thô ráp, theo cái nhìn của ai đó, lịch sử của nước Nga...

Họ muốn xã hội lãng quên nhưng xã hội đã không quên. Bởi lịch sử không phải là một cuốn vở ghi chép, không phải là một cuốn sổ tay. Không thể giản đơn rứt bỏ trang này hay trang khác từ lịch sử. 

Hãy để "Rạng Đông" neo đậu trên sông Neva

 

Đại thi hào Nga A. Puskin trong thư gửi Chaadayev (*) từng viết: dẫu trong đời sống nước Nga có nhiều vấn đề làm nhà thơ đau buồn, thậm chí bị xúc phạm, nhưng không vì bất kỳ điều gì trên thế giới này mà nhà thơ "muốn thay đổi tổ quốc, hay muốn có những trang sử khác với lịch sử của tổ tiên". Nên chăng chúng ta cũng cần có một thái độ như vậy đối với Cách mạng Tháng Mười năm 1917 và toàn bộ thời kỳ Xô viết sau đó.

 

 

Lịch sử không có những trang bị rứt bỏ - 1
 

 

Ông Sergei Mironov, hiện là

chủ tịch Hội đồng liên bang

(Thượng viện) Nga.

 

Điều gì xảy ra đã xảy ra. Lịch sử là như vậy, không ai có thể thay đổi, càng không thể xóa bỏ được. Do đó hãy để chiến hạm Rạng Đông tiếp tục neo đậu trên sông Neva, hãy để những ngôi sao đỏ vẫn sáng trên những ngọn tháp điện Kremli và hãy để biểu tượng búa liềm còn mãi trên lá cờ chiến thắng, đúng như lịch sử.

 

Nếu nói về quan điểm riêng của tôi với Cách mạng Tháng Mười, có thể nói rất rõ ràng, ngắn gọn: tôi ủng hộ cách tiếp cận khách quan tối đa đối với trang quan trọng nhất này của lịch sử. Đó là bài học lịch sử cho toàn thế giới và cho nhân dân Nga. Như một bài học, Tháng Mười phải được các giới chính trị, các đảng phái và chính quyền hiện nay nhìn nhận, suy ngẫm, đánh giá.

 

Những bài học Tháng Mười

 

Trước hết, cần hiểu rõ rằng có một nền tảng hoàn toàn khách quan cho tất cả những gì diễn ra ở nước Nga đầu thế kỷ 20. Những chấn động cách mạng ở Nga không phải là sự kiện biệt lập, mà là một phần của tiến trình toàn cầu... Thuở đó đã có những cuộc cách mạng hoặc những cuộc nổi dậy với qui mô khác nhau tại Trung Quốc, Mexico, Hungary, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ và nhiều nước khác.

 

Nước Nga khi đó thuộc nhóm sáu cường quốc hàng đầu, nhưng vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu mà dẫu chế độ nông nô đã được bãi bỏ năm 1861, vẫn chưa giải quyết được vấn đề ruộng đất... Thậm chí những gì đã làm cũng chỉ làm được nửa vời... Hệ thống đa đảng trì trệ. Đuma (Hạ viện Nga) chủ yếu cũng chỉ để trang trí. Xã hội công dân, lẽ ra có thể cấu thành trụ đỡ cho chế độ tiến vào thế kỷ 20 mới mẻ, thì không dám hình thành.

 

Kết luận có thể rút ra cho ngày nay: khi cuộc sống đòi hỏi hiện đại hóa đất nước, thật vô cùng nguy hiểm khi kéo dài tiến trình này, để lại làm sau. Cải cách nửa vời là một trong những tiền đề chính của khởi đầu Cách mạng Tháng Hai, sau đó là Cách mạng Tháng Mười.

 

Còn một tiền đề nữa: sự cách biệt lớn giữa tầng lớp thượng lưu Nga khi đó với nhân dân lao động. Lênin đã vạch ra chính xác khi nói về việc tồn tại "hai dân tộc trong một dân tộc"... Hai dân tộc này từ lâu đã nói hai ngôn ngữ khác nhau: người ở trên - tiếng Pháp, người ở dưới - tiếng Nga dung dị. Và tư duy của họ cũng ở những hệ thống giá trị khác nhau.

 

Bài học đó của Cách mạng Tháng Mười mang tính thời sự và ngày nay phải được tiếp thu như một sự cảnh báo. Cần phải nhớ tới nó dẫu chỉ để không giẫm lên lần nữa những chiếc bừa bị bỏ lại trong đám cỏ lãng quên.

 

Người ta cũng thường nói Cách mạng Tháng Mười đóng vai trò to lớn đối với cả nhiều nước công nghiệp phát triển. Đúng vậy. Nó đã làm các giới cầm quyền và giai cấp tư bản phương Tây sợ chết khiếp. Họ phải bắt tay vào xây dựng cơ chế đối tác xã hội, tạo ra giai cấp trung lưu, tăng cường vai trò của nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch kinh tế, điều tiết xã hội, hỗ trợ giáo dục, y tế, khoa học, văn hóa...

 

Tư tưởng xã hội chủ nghĩa không có lỗi

 

"Hòa bình cho các dân tộc", "Ruộng đất cho nông dân", "Bánh mì cho người đói", "Tự do cho người nô lệ"... Ai có thể nói tự thân những khẩu hiệu phản ánh nhu cầu của đại đa số quần chúng này lại không đúng hay thiếu đạo lý? Năng lượng tích cực đó của Cách mạng Tháng Mười phải được tách khỏi những tội lỗi tiếp theo đó của chế độ.

 

Bản thân tư tưởng XHCN không có lỗi khi mà lên cầm trịch cuộc thử nghiệm xã hội vĩ đại của năm 1917 lại là những nhà lãnh đạo, nói theo Plekhanov (**), "tả khuynh hơn lẽ phải". Họ lên nắm quyền với lòng tin vào khả năng áp dụng bạo lực nhân danh mục tiêu cách mạng. Với những ảo tưởng về cách mạng thế giới và sự cào bằng xã hội. Với sự căm thù tư hữu và các quyền tự do dân chủ.

 

Khi nói về chủ nghĩa xã hội, tôi chủ yếu muốn nói về nhận thức quí giá. Con đường đi tới lý tưởng XHCN, theo tôi, không phải nằm ở việc "xây dựng tương lai tươi sáng" mà là qua cuộc chiến kiên trì và liên tục cho việc giải quyết những vấn đề hôm nay trong tinh thần công bằng xã hội. Qua việc thường xuyên nhân văn hóa cơ cấu xã hội. Qua công cuộc cải cách ngoan cường và lâu dài. Đó chính là con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21 trong quan điểm của chúng tôi...

 

Trân trọng lịch sử đất nước và truyền thống của thế hệ lớn tuổi là một trong những nền tảng để đoàn kết xã hội. Trong tôi, chẳng có gì không rõ ràng với quan điểm kế thừa Cách mạng Tháng Mười và ngày kỷ niệm năm nay. Với tôi không có câu hỏi: "Kỷ niệm hay đau buồn, hân hoan hay xấu hổ?". Câu trả lời của tôi là hãy nhớ và suy ngẫm!

 

Theo Duy Văn (dịch)

Tuổi trẻ

 

Giá trị lịch sử mãi được trân trọng

 

Giá trị lịch sử của sự kiện Cách mạng Tháng Mười năm 1917 mãi được trân trọng. Đó là nội dung được đề cập tại cuộc gặp mặt giao lưu hữu nghị Việt - Nga nhân kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga tại TP.HCM tối 31-10, do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội Hữu nghị Việt - Nga TP.HCM tổ chức.

 

Ông Nikolai Ubushiev, tổng lãnh sự LB Nga tại TP.HCM, đã trả lời nhiều câu hỏi về tình hình nước Nga, về khả năng khôi phục hoạt động của Trung tâm Văn hóa - khoa học Nga tại TP.HCM... Nhân dịp này ông Nikolai Ubushiev đã trao bằng khen của Tổng lãnh sự quán LB Nga cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Hữu nghị Việt - Nga TP.HCM và một số cá nhân đã có đóng góp tích cực củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

 

(Ng.Thanh)

 

(*) P. Y. Chaadayev (1794 - 1856): nhà tư tưởng và chính luận Nga.

 

(**) G.V. Plekhanov: nhà triết học và nhà hoạt động Macxit (1856 - 1918), sống lưu vonxg ở Pháp và trở về Nga năm 1917, ủng hộ chính quyền tư sản lâm thời. Có nhiều công trình lý luận được V. I. Lênin đánh giá cao.