Lầu Năm Góc biết gì về hạt nhân và tên lửa Triều Tiên?
Báo cáo năm 2015 của Lầu Năm Góc gửi Nghị viện Mỹ cho thấy tổng quan đánh giá của cơ quan quân sự hàng đầu thế giới đối với tiến trình phát triển vũ khí của Triều Tiên.
Vào ngày 5-1-2016, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi báo cáo tới Nghị viện Mỹ về phát triển quân sự tại Triều Tiên, tức là chỉ một ngày trước khi Triều Tiên thông báo thử bom nhiệt hạch.
Báo cáo bao gồm phân tích và đánh giá tiềm lực quân sự của Triều Tiên, bao gồm dự đoán về các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Cụ thể hơn, tên lửa đạn đạo di động xuyên lục địa KN-08, hay còn gọi là Nodong-C, có tầm ngắm tới “phần lớn lục điạ Hoa Kỳ”. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào việc thiết kế và phát triển.
Theo dự đoán của Lầu Năm Góc, để đạt được điều đó, nước này cần phải thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm để kiểm tra công nghệ.
Gần đây, Triều Tiên cũng đã cải tiến KN-08 lên KN-08s đến mức “đáng chú ý”, khi có thể được vận chuyển bằng bệ phóng di động TEL trong cuộc diễu hành quân sự hồi tháng 10-2015.
Lầu Năm Góc tiếp tục đánh giá các chương trình phóng vệ tinh của Triều Tiên như hành vi tạo vỏ bọc hợp pháp cho các chương trình thử hạt nhân. Một vài chuyên gia độc lập cũng đồng tình vấn đề này. Việc ra mắt vệ tinh Kwangmyongsong-4 vào đầu tháng này cũng nằm trong kế hoạch đó.
Lầu Năm Góc đưa ra ước tính ban đầu về số lượng hệ thống tên lửa đạn đạo mà Bình Nhưỡng đang lưu trữ ở khoảng “ít hơn 100” hệ thống Toksa, SCUD-B, SCUD-C và SCUD-D, cùng “ít hơn 50” tên lửa Nodong có phạm vi 1.200km, cùng “ít hơn 50” tên lửa đạn đạo xuyên lục địa IRBM với phạm vi khoảng 3.000km.
Trong thời điểm hiện tại, báo cáo không đề cập tới tính xác thực của việc Triều Tiên đã phát triển thành công bom nhiệt hạch, do nhiều chuyên gia cho rằng vụ thử đầu tháng 1 chỉ là một thiết bị phân hạch.
Ngoài ra, báo cáo cũng không đánh giá về việc Triều Tiên đã chế tạo thành công thiết bị hạt nhân thu nhỏ đi kèm theo hệ thống tên lửa liên lục địa, mà chỉ lưu ý rằng các việc thử nghiệm vệ tinh còn hạn chế khó mà tạo điều kiện cho vũ trang hóa tên lửa một cách hiệu quả, do chưa thử nghiệm điều kiện tồn tại của thiết bị trong khí quyển. Đợt phóng vệ tinh đầu tháng này chỉ đơn thuần đưa thiết bị vào quỹ đạo.
Trên đây là tổng quan báo cáo, nhưng điều đáng quan tâm còn lại là mức độ chắc chắn ra sao về thông tin cụ thể trong chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên, đặc biệt là hạt nhân, do có nhiều vấn đề mà Hoa Kỳ rất khó có thể nắm được.
Theo Mẫn Di/The Diplomat
Dân Việt