1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lật con bài chính trị của ông Tập Cận Bình

Mỹ và các đồng minh lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng sức mạnh quân đội theo cách xung đột với các lợi ích của phương Tây.

Đầu năm 2016, thị trường chứng khoán Trung Quốc tạm ngừng hoạt động. Các nhà đầu tư hoảng sợ. Nhưng khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong ngày 4/1 hôm đó, ông không đề cập đến sự lo lắng toàn cầu về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Khoác tấm áo màu xanh ô liu kiểu Mao Trạch Đông, ông Tập lại nói với quân đội Trung Quốc về một thách thức khác khiến ông phải dành thời gian và vốn liếng chính trị vào: đó là đợt tái cấu trúc Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) quy mô lớn nhất kể từ những năm 1950, một kế hoạch khiến Mỹ và các đồng minh châu Á lo ngại và có thể làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu.

Phát biểu trước các binh sĩ Tập đoàn quân thứ 13, ông Tập tuyên bố: “Chúng ta phải giải phóng suy nghĩ của mình và thay đổi theo thời gian”. Ông khẳng định các binh sĩ “không thể đi đôi giày mới trên con đường cũ”.

Bốn ngày trước đó, ông đã bắt đầu thực thi một kế hoạch biến đổi từ lực lượng quân đội theo mô hình Liên Xô, từ lâu tập trung "bảo vệ Trung Quốc khỏi quân xâm lược", thành một lực lượng nhỏ hơn nhưng hiện đại và có khả năng thể hiện quyền lực ở các vùng biển xa.

Kế hoạch trên, sẽ được thực thi vào năm 2020, là một trong những dự định tham vọng nhất và có nguy cơ chính trị cao nhất từ trước tới nay.

(Ảnh: businessinsider.com)
(Ảnh: businessinsider.com)

Nếu kế hoạch này thành công, nó sẽ tạo nền tảng để Trung Quốc tiến hành các chiến dịch tấn công ở các mặt trận xa như Trung Đông và châu Phi, và sẽ đánh dấu một hòn đá tảng trong sự nổi lên của quốc gia từ một thời kỳ bị cô lập dưới đời nhà Minh thế kỷ 15.

Nó cũng có thể giúp Trung Quốc không chỉ thách thức vai trò chế ngự về quân sự của Mỹ tại châu Á, mà còn cho phép Bắc Kinh can thiệp quân sự ở bất cứ đâu để bảo vệ các hải trình, các nguồn cung năng lượng và các công dân của mình, như các cường quốc khác đã làm được.

Trong khi một lực lượng quân đội viễn chinh Trung Quốc có thể hỗ trợ các chiến dịch nhân đạo và chống khủng bố, Mỹ và các đồng minh lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng sức mạnh này theo cách xung đột với các lợi ích của phương Tây.

Thách thức đối với ông Tập là các cuộc tấn công tổng lực nhằm vào trung tâm của một trong những nhóm lợi ích mạnh nhất của Trung Quốc, một thể chế đã được lựa chọn từ năm 1949.

Đại tá về hưu Nhạc Cương (Yue Gang), một chuyên gia phân tích quân sự, nhận định kế hoạch của Chủ tịch Tập “phức tạp và mạnh mẽ hơn nhiều các cuộc cải cách quân đội trước đây, vốn chỉ sửa chữa bên trong hệ thống đang tồn tại”. Ông cho cảnh báo: “Nếu cải cách thất bại, (ông Tập) có thể mất đi sự ủng hộ của nhân dân và phải chịu trách nhiệm, vì vậy đây là một nguy cơ chính trị lớn”.

Đây là lời cảnh báo mạnh mẽ chưa từng thấy của một tướng lĩnh về các nguy cơ cao của kế hoạch trên. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết quân đội và chính quyền dân sự đã tiến hành “các nghiên cứu kỹ lưỡng” để “đảm bảo sự chuyển tiếp êm đẹp từ hệ thống cũ sang hệ thống mới, cũng như đảm bảo an ninh và ổn định của các binh sĩ”.

Trên thực tế, PLA đã bắt đầu tiến hành các bước thử nghiệm ở nước ngoài trước khi ông Tập tuyên bố kế hoạch trên. Họ đã cử tàu nổi và tàu ngầm tới Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, lắp đặt các trang thiết bị quân sự tại các thực thể đang tranh chấp tại Biển Đông và thách thức các lực lượng hải quân Mỹ quanh bờ biển nước mình.

Tuy nhiên, ở trong nước, PLA bị ràng buộc bởi một cấu trúc và thói quen cũ từ thời cách mạng, và bị chế ngự bởi Lục quân – lực lượng chiếm khoảng 70% binh sĩ và 7/11 sĩ quan Quân ủy Trung ương, cơ quan chỉ huy các lực lượng vũ trang.

Các lợi ích ở nước ngoài

Theo kế hoạch mới, ông Tập, cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, sẽ cố gắng chuyển đổi quyền lực sang các lực lượng hải quân, không quân và tên lửa, vốn mang tính sống còn đối với các tham vọng củng cố các yêu sách lãnh thổ tại châu Á, và bảo vệ các lợi ích kinh tế đang ngày một lớn của Trung Quốc ở nhiều nơi khác.

Ông sẽ làm điều đó bằng cách thành lập các nhánh quân đội mới và giảm quy chế của Lục quân.

Ông giảm quyền lực của các tướng lĩnh cấp cao bằng cách hủy các cấu trúc chỉ huy, bao gồm 7 “quân khu” và 4 “tổng cục”, qua đó các sĩ quan có nhiều năm nắm quyền, chịu sự giám sát của trung ương. Ông nắm quyền chỉ huy trực tiếp các chiến dịch tấn công: vừa qua truyền thông chính thống của Trung Quốc đã lần đầu tiên gọi ông là “Tổng tư lệnh” của một trung tâm chỉ huy chiến dịch phối hợp mới, mà ông vừa tới thị sát. Đây là một trong rất hiếm lần ông xuất hiện trong trang phục quân đội và đi giày chiến.

Bằng việc cắt giảm 300.000 trong tổng số 2,3 triệu binh sĩ PLA, động thái mà ông đã thông báo từ năm 2015, đây được xem là đợt cắt giảm quân số lớn nhất trong hai thập kỷ qua. Điều này có nghĩa là cho thôi việc một lượng lớn binh sĩ có kinh nghiệm sử dụng vũ khí. Số binh sĩ này sẽ thêm vào con số ít nhất 6 triệu cựu chiến binh PLA, trong đó hàng nghìn người từng tham gia các cuộc biểu tình có tổ chức nhiều năm gần đây vì cho rằng tiền trợ cấp của chính phủ dành cho họ là chưa đủ.

Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho các công ty nhà nước dành 5% chỗ làm mới cho cựu chiến binh, và cam kết tại một phiên họp Quốc hội hồi tháng 3 rằng sẽ chi 39,8 tỷ NDT (6,1 tỷ USD) trong năm nay để trợ cấp cho các binh sĩ giải ngũ, tăng 13% so với năm 2015. Thủ tướng Lý Khắc Cường nói trước Quốc hội: “Chúng ta sẽ thấy rằng các quân nhân giải ngũ được giải quyết công ăn việc làm mới hoặc được tạo điều kiện tốt để tìm việc và kinh doanh”.

Nhật báo của quân đội bản online số ra tháng 11/2015 cảnh báo nếu kế hoạch tái cấu trúc “không được thực thi đúng đắn, có thể tác động tới sự ổn định của quân đội, thậm chí của toàn xã hội”. Tuy nhiên, bài viết này sau đó đã được gỡ xuống.

Trung Tướng về hưu Vương Hồng Quang, một cựu Phó chỉ huy quân khu, phát biểu với báo giới nhân kỳ họp Quốc hội tháng 3 vừa qua cho biết chính quyền địa phương không thể chịu nổi các khoản trợ cấp cho binh sĩ giải ngũ. Theo ông, “con số này lên tới hàng trăm tỷ” NDT, và ngân sách quốc phòng cần phải tăng thêm hơn 10%. Ngay ngày hôm sau, chính phủ thông báo tăng 7,6% ngân sách cho quốc phòng, mức tăng thấp nhất trong vòng 6 năm qua.

(Còn tiếp)

Theo Thảo Linh (tổng hợp)

Vietnamnet