1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lãnh đạo Trung - Ấn không gặp mặt vì căng thẳng biên giới

(Dân trí) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ không có cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra tại Hamburg, Đức do những căng thẳng liên quan tới tình hình biên giới giữa hai nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Ảnh: AFP)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Ảnh: AFP)

Theo NDTV, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới thành phố Hamburg, Đức vào tối ngày 6/7 và sẽ cùng các nhà lãnh đạo thế giới tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20). Tuy nhiên, ông Modi sẽ không có cuộc gặp riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đức lần này.

Trước đó, một quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “bầu không khí hiện tại không phù hợp cho một cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi”, ngụ ý tới tình hình căng thẳng giữa hai nước tại khu vực biên giới.

Đáp lại, phía Ấn Độ cho biết nước này cũng chưa từng lên kế hoạch cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G20.

“Chúng tôi chưa từng đề xuất bất kỳ cuộc gặp nào (với Trung Quốc), vậy liên quan gì đến việc liệu bầu không khí hiện tại có cho phép một cuộc gặp như vậy diễn ra hay không”, quan chức Ấn Độ giấu tên nói với Hindustan Times.

Mặc dù không có cuộc gặp riêng, nhưng Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham gia các cuộc họp chung đa phương bên lề thượng đỉnh G20, trong đó có cuộc họp của nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng quân sự ở khu vực biên giới Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Himalaya được xem là xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong vòng hơn 30 năm qua.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đề nghị Ấn Độ nhanh chóng rút quân khỏi khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của nước này ở gần khu vực biên giới Sikkim. Trước đó, Ấn Độ đã đưa các binh sĩ tới khu vực này từ đầu tháng 6 để ngăn cản việc Trung Quốc xây dựng một con đường mà New Delhi cho rằng gây ra “mối lo ngại nghiêm trọng về an ninh”.

Liên quan tới vụ việc này, Bắc Kinh đã lên tiếng cáo buộc binh sĩ Ấn Độ xâm nhập khu vực Donglang của Trung Quốc và cản trở hoạt động xây dựng. Binh lính hai bên sau đó đối đầu gần một thung lũng chiến lược do Trung Quốc kiểm soát, chia tách Ấn Độ và đồng minh thân cận Bhutan.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm