1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lãnh đạo châu Âu giận dữ vì bị Mỹ nghe lén

(Dân trí) - Trước thông tin tình báo Mỹ đã bí mật nghe lén nhiều chính phủ châu Âu, trong đó có cả trụ sở của EU, các quan chức EU, Pháp và Đức đang tỏ ra giận dữ và yêu cầu Washington giải thích.

Chủ tịch nghị viện châu Âu Martin Schulz “sốc” trước tin EU bị Mỹ nghe lén
Chủ tịch nghị viện châu Âu Martin Schulz “sốc” trước tin EU bị Mỹ nghe lén

Trong ngày hôm qua, tạp chí Der Spiegel của Đức đã công bố một thông tin gây xôn xao khi cho biết các văn phòng Liên minh châu Âu tại Mỹ và tại chính châu Âu đã bị tình báo Mỹ nghe lén.

Không những vậy, theo tài liệu mật của NSA bị rò rỉ mà tạp chí này được xem, mạng máy tính nội bộ của EU tại Washington cũng như mạng máy tính trong văn phòng của EU tại tòa nhà Liên Hợp Quốc ở New York cũng bị xâm nhập.

Các “mục tiêu” khác bao gồm đại sứ quán và cơ quan ngoại giao của 38 nước, trong đó có Pháp, Italia, Hy Lạp, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ, tài liệu mật do tờ Guardian của Anh tiết lộ cho biết.

Theo hãng tin RT của Nga, trong ngày hôm qua, các quan chức của EU đã tỏ ra giận dữ. Chủ tịch nghị viện châu Âu Martin Schulz tuyên bố: “Tôi lo lắng sâu sắc và bị sốc trước cáo buộc giới chức Mỹ đang do thám các văn phòng của EU. Nếu những cáo buộc này là xác thực, đây sẽ là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ EU – Mỹ”.

Trong khi đó, ủy viên về tư pháp của EU Viviane Reding khẳng định tổ chức này đã liên lạc với các quan chức Mỹ tại Washington và Brussels về các thông tin tờ Der Spiegel đăng tải.

“Chúng tôi đã ngay lập tức liên lạc với giới chức Mỹ tại Washington DC và Brussels để chất vấn họ về những nội dung bài báo”, bà Reding khẳng định. “Họ nói với chúng tôi rằng họ đang kiểm tra tính chính xác của thông tin trước khi liên lạc lại với chúng tôi.

Các đối tác không thể do thám nhau”, bà Reding nói và cho biết đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và EU nên bị tạm dừng cho đến khi Washington đưa ra lời giải thích.

“Chúng tôi không thể đàm phán về một thị trường xuyên Đại Tây Dương nếu có nghi ngại dù nhỏ nhất, rằng các đối tác đang tiếp tục các hành vi gián điệp tại văn phòng của các nhà thương thuyết của chúng tôi”, bà Reding khẳng định

Cùng quan điểm này, chủ tịch ủy ban đối ngoại của nghị viên châu Âu, ông Elmar Brok tuyên bố với tờ Der Spiegel: “Hoạt động gián điệp đã lên đến mức tôi chưa bao giờ tưởng tượng có thể diễn ra ở một quốc gia dân chủ. Làm sao chúng tôi có thể tiếp tục đàm phán nếu chúng tôi còn lo lắng rằng quan điểm đàm phán của mình đã bị biết trước?”.

Trong khi đó Bộ trưởng ngoại giao Pháp Laurent Fabius khẳng định, nếu thông tin Der Spiegel đăng tải là chính xác, hành động của giới chức Mỹ là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Bộ trưởng tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger thì so sánh những hành động này với “các phương pháp được sử dụng bởi kẻ thù trong thời kỳ Chiến tranh lạnh”. Và rằng “thật không thể hiểu nổi khi những người bạn của chúng tôi tại Mỹ xem người châu Âu như kẻ thù”.

Thanh Tùng
Theo BBC, RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm